LỜI PHẬT DẠY
“Này Bà La Môn, thật sự là vậy. Này Bà La Môn thật khó trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng rừng rú làm rối loạn tâm trí vị Tỳ Kheo chưa chứng thiền định”.
CHÚ GIẢI:
Đoạn kinh này chỉ cho chúng ta thấy rằng: Đời sống nơi hoang vắng, đời sống viễn ly và đời sống độc cư, bản chất con người khó mà sống được. Vì con người sống trong dục lạc và ác pháp như vậy, thì cảnh hoang vắng rừng rú sẽ làm rối loạn tâm trí của họ. Vậy đời sống nơi hoang vắng như thế nào? Đời sống viễn ly như thế nào? Đời sống độc cư như thế nào?
- Đời sống nơi hoang vắng là sống nơi rừng rú, nơi nghĩa địa, nơi cánh đồng mông quạnh, nơi hòn đảo giữa biển khơi, v.v..
- Đời sống viễn ly là đời sống không nhà cửa không gia đình, đơn thân, đơn chiếc, sống độc thân một mình, v.v..
- Đời sống độc cư là đời sống không giao thiệp với ai, không thích tập họp, không thích nói chuyện, không thích giao du, không thích qua lại, không thích tranh luận, không thích bạn bè, v.v..
Đời sống như vậy không thích hợp với người thế gian, người phàm phu, người còn ham vui, người còn ham thích dục lạc, v.v.. Cho nên, họ không thể sống như vậy được. Ngược lại, chỉ có những bậc hướng đến Thánh quả A La Hán thì mới sống được như vậy.
Tự xét mình có thích sống trong ba trường hợp này thì người ấy sẽ tu tập chứng quả A La Hán chỉ trong một đời này, còn ngược lại, thì rất khó chứng quả A La Hán. Chúng ta hãy đọc đoạn kinh kế tiếp dưới đây thì sẽ thấu hiểu rất rõ ràng:
“Này Bà La Môn, xưa kia khi Ta chưa chứng ngộ Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: “Thật khó kham nhẫn những trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu! Thật khó khăn đời sống viễn ly! Thật khó thưởng thức đời sống độc cư! Ta nghĩ rằng: Rừng núi làm rối loạn tâm trí vị Tỳ Kheo chưa chứng thiền định!”.
“Này Bà La Môn, rồi ta suy nghĩ: “Những Sa môn hay Bà La Môn nào, thân nghiệp không thanh tịnh, sống trong các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, thân nghiệp không thanh tịnh, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên. Ta không có thân nghiệp không thanh tịnh, sống tại các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu. Thân nghiệp ta thanh tịnh. Ta là một trong những bậc Thánh”.
Đoạn kinh trên đây đã xác định rõ ràng: “Thân nghiệp không thanh tịnh, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên”. Chỗ chúng ta cần hiểu là thân nghiệp không thanh tịnh. Vậy thân nghiệp không thanh tịnh là gì?
Thân nghiệp không thanh tịnh có nghĩa là thân còn thích dục lạc như ăn uống phi thời, thân hay bệnh tật đau yếu, thân thích dâm dục, thân hay đốt lửa giết hại chúng sanh, thân lười biếng ưa thích ngủ nghỉ, thân hay làm những điều ác làm chết và đau khổ các loài chúng sanh, thân đi đứng không nhẹ nhàng đằm thắm, thân còn đỏ mặt tía tai, thân còn muốn co tay đánh người khác, vật khác, v.v.. Nói chung thân nghiệp không thanh tịnh gồm có ba hành động chính:
1- Thân có những hành động ác như trộm cắp cướp giựt lấy của không cho.
2- Thân ưa thích dâm dục, ưa thích nói chuyện người khác phái, thân có hành động thủ dâm.
3- Thân giết hại chúng sanh, làm cho chúng sanh đau khổ.
Khi nào thân nghiệp thanh tịnh thì không còn những hành động ác đó nữa. Cho nên, trong kinh Giáo Giới La Hầu La đức Phật dạy phải luôn luôn phản tỉnh lại thân hành nghiệp của mình, nếu thân hành nghiệp của mình làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì nhất định chết cũng không làm, còn thân hành nghiệp nào không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì mới làm. Nếu một người tập như vậy thì họ ở những chỗ xa vắng hoang vu, không hề sợ hãi.
Chúng ta hãy lắng nghe tiếp đức Phật dạy: “Này Sa Môn hay Bà La Môn nào có khẩu nghiệp không thanh tịnh... ý nghiệp không thanh tịnh… Có mạng sống không thanh tịnh, sống trong các trụ xứ xa vắng, trong rừng núi hoang vu, do nguyên nhân nhiễm trước, mạng sống không thanh tịnh, những tôn giả Sa Môn hay Bà La Môn ấy làm cho sợ hãi, khiếp đảm, bất thiện khởi lên...”.
Đoạn kinh trên chúng ta nên lưu ý: “Khẩu nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh”.Vậy khẩu nghiệp không thanh tịnh và ý nghiệp không thanh tịnh nghĩa là gì?
- Khẩu có bốn nghiệp không thanh tịnh:
1. Nói lời hung ác.
2. Nói không thật, nói dối nói xảo trá.
3. Nói đâm thọc, nói xấu người, nói vu khống người.
4. Nói lưỡi hai chiều, nói lật lọng.
- Ý có ba nghiệp không thanh tịnh:
1- Ý tham dục, ham muốn cái này, cái kia, xan tham, v.v..
2- Ý sân hận, thù oán, ghen ghét, tị hiềm, tật đố, v.v..
3- Ý si mê, lười biếng ham ngủ nghỉ, hôn trầm thùy miên vô ký.
Bây giờ các bạn đã hiểu rõ thân, khẩu, ý nghiệp không thanh tịnh là do những thân, khẩu, ý hành của các bạn còn làm những điều ác trên đây. Vậy, muốn cho thân, khẩu, ý nghiệp thanh tịnh thì các bạn không nên làm những điều ác như trên đã dạy. Vậy muốn cho thân hành, khẩu hành và ý hành không làm ác thì chúng ta hãy nghe đức Phật dạy La Hầu La:“Này La Hầu La, con nghĩ thế nào? Mục đích của cái gương là gì?
- Bạch Thế Tôn mục đích của cái gương là để soi, để phản tỉnh lại mình.
- Cũng vậy, này La Hầu La, con phản tỉnh hay soi lại nhiều lần nơi thân hành nghiệp, khẩu hành nghiệp, ý hành nghiệp của con.
- Khi soi vào thân hành nghiệp và con muốn cho thân hành nghiệp của con phải làm gì, thì con phải soi lại thân hành nghiệp như sau: “Thân hành nghiệp này của con có thể đưa đến tự hại; có thể đưa đếnhại người; có thể đưa đến hại cả hai; thân hành nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”.
Này La Hầu La, khi con nghĩ như vậy, nhất định con không nên làm, nhất định con từ bỏ, nhất định con cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ trình bày trước các vị Đạo sư hay trước các vị đồng Phạm hạnh. Sau khi đã tỏ lộ trình bày cần phải phòng hộ trong tương lai.
- Còn ngược lại, khi con soi lại thấy thân hành nghiệp này của con không có thể đưa đến tự hại, không có thể đưa đến hại người, không có thể đưa đến hại cả hai, thì thân nghiệp này thiện, đưa đến an lạc. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, con nên làm, cần phải tiếp tục làm. Do vậy, này La Hầu La, con phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục học ngày đêm trong các thiện pháp”.
Chúng ta nên theo lời dạy này mà phản ảnh lại thân hành, khẩu hành và ý hành của mình để thân hành, khẩu hành và ý hành của mình được thanh tịnh. Khi thân hành, khẩu hành và ý hành của mình được thanh tịnh là chúng ta đã đạt được tâm bất động giải thoát, tức là chứng quả vô lậu A La Hán. Như vậy, quả A La Hán đâu phải tu tập có khó khăn gì. Phải không các bạn?
Khi thân hành, khẩu hành và ý hành của mình đã thanh tịnh thì sống bất cứ nơi đâu ta cũng không hề sợ hãi, như đức Phật đã xác định: “Này Bà La Môn, Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, tự cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn, khi sống trong rừng núi”.
Đoạn kinh trên đã xác định cho chúng ta thấy một số Tăng Ni và cư sĩ theo tu học tại tu viện Chơn Như, căn tánh còn phàm phu tục tử, tham ăn, thích ngủ, ham nói chuyện, v.v.. Đời không muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm. Đời vẫn còn đắm danh, tham lợi mà muốn hướng đến Thánh quả A La Hán thì làm sao chứng Thánh được. Phải không các bạn?
Không tự xét thấy lỗi mình, mà cứ thấy lỗi người, và còn bảo rằng:“Tu Viện Chơn Như sao không thấy ai tu chứng quả A La Hán”,hoặc“Những người theo tu học tại tu viện Chơn Như rơi rụng như sung”. Tu mà đời không chịu bỏ thì như sung rụng là đúng chứ sao? Quả A La Hán dành cho những người sống đúng hạnh, tu tập đúng pháp, chứ không phải tu ăn, tu ngủ, tu phá hạnh độc cư, v.v..
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 2.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét