LỜI PHẬT DẠY
“1/ Với người ưa thích viễn ly, ưa thích hội họp chúng là cây gai.
2/ Với người chuyên chú tu tập tướng bất tịnh, tu tịnh tướng là cây gai.
3/ Với người phòng hộ các căn, đi xem văn nghệ trình diễn là cây gai.
4/ Với người sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai.
5/ Với người chứng Thiền Thứ Nhất, tiếng ồn là cây gai.
6/ Với người chứng Thiền Thứ Hai, tầm tứ là cây gai.
7/ Với người chứng Thiền Thứ Ba, hỷ là cây gai.
8/ Với người chứng Thiền Thứ Tư, hơi thở ra hơi thở vô là cây gai.
9/ Với người đã đạt được Diệt Thọ Tưởng Định, tưởng thọ là cây gai.
10/ Tham là cây gai. Sân là cây gai. Si là cây gai.
11/ Này các Tỳ Kheo, hãy sống không phải là cây gai.
12/ Này các Tỳ Kheo, hãy sống rời khỏi cây gai.
13/ Này các Tỳ Kheo, hãy sống không phải là cây gai và rời khỏi cây gai.
14/ Này các Tỳ Kheo, không có cây gai là bậc A La Hán.
15/ Này các Tỳ Kheo, rời khỏi cây gai là bậc A La Hán.
16/ Này các Tỳ Kheo, vị không có cây gai và rời khỏi cây gai là bậc A La Hán’’.
(Tăng Chi Bộ Kinh tập 4 trang 417 – 418)
CHÚ GIẢI:
Đoạn kinh trên đây đã xác định được những pháp chướng ngại trong những pháp tu tập của chúng ta.
- Pháp chướng ngại thứ nhất: Là người ưa thích sống đời sống viễn ly thì không ưa thích hội họp. Hội họp là pháp chướng ngại. Ngược lại, người ưa thích hội họp thì không ưa thích viễn ly. Viễn ly là pháp chướng ngại. Vì sống viễn ly buồn tẻ và cô đơn, nên đức Phật đưa ra hai pháp đối chiếu: “Với người ưa thích viễn ly, ưa thích hội họp chúng là cây gai”, để chúng ta thấu rõ Pháp của Phật là pháp sống viễn ly. Vì có viễn ly thì tâm mới ly dục ly ác pháp được. Cho nên, những tu sĩ và cư sĩ đến tu viện Chơn Như tu tập ưa thích hội họp là những cây gai đối với pháp Phật. Có đúng không thưa các bạn?
Vậy, khi muốn tu tập theo Phật giáo, thì các bạn nên tránh hội họp mà phải giữ gìn nghiêm chỉnh lời dạy này. Các bạn có nhìn thấy những tu sĩ Phật giáo hiện giờ không? Chuyên môn hội họp nói chuyện như các tu sĩ Bà La Môn ngày xưa trong thời đức Phật.
- Pháp chướng ngại thứ hai: Xin các bạn lưu ý lời dạy này: “Với người chuyên chú tu tập tướng bất tịnh, tu tịnh tướng là cây gai”. Tu tập tướng bất tịnh là tu quán bất tịnh các bạn ạ! Vậy tu quán là gì? Tu quán là tư duy suy nghĩ về một đề tài gì. Ví dụ: Đưa ra đề tài quán thân bất tịnh. Có nghĩa là quán trong thân này như: máu, mủ, đờm, nhớt, phân phẩn, nước tiểu, ghèn, nước mũi, nước miếng, v.v.. dơ bẩn, hôi thối, uế trược, bất tịnh. Khi quán tưởng bất tịnh như vậy thì tưởng, tướng bất tịnh xuất hiện, khi tưởng, tướng bất tịnh xuất hiện thì tâm sanh nhàm chán sắc dục, thấy tướng nữ sắc thì ghê sợ. Còn tưởng tướng bất tịnh không xuất hiện thì chưa nhàm chán tâm sắc dục.
Khi quán như vậy thì tâm luôn luôn bị động, nên đối với tướng tịnh, có nghĩa là tướng thanh tịnh, tướng trong sạch, tướng không động là cây gai thì quá rõ nghĩa không còn cách nào khác đi được. Vì tướng động và tướng tịnh là hai tướng chống trái nhau, như hai cực của nam châm, không cùng ở chung nhau một chỗ.
Tướng tịnh chúng ta còn phải hiểu là tướng sạch sẽ, trong sạch, thanh khiết như người đời thường cho thân này sạch sẽ, không uế trược không bất tịnh, vì thế sanh tâm tham đắm sắc dục, ưa thích sắc dục, v.v..
Giai đoạn tu tập Giới Luật là giai đoạn tu quán: dùng tri kiến giải thoát mà nhìn mọi sự vật tức là Chánh Tri Kiến; dùng tri kiến giải thoát tư duy suy nghĩ mọi sự vật, mọi pháp tức là Chánh Tư Duy.
Cho nên, khi tu tập quán sát, tư duy suy nghĩ và như lý tác ý là tu trong động để giúp tâm ly dục ly ác pháp. Khi tâm ly hết dục và ác pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm bất động; tâm bất động là tịnh tướng của tâm.
Khi tâm chưa ly dục ly ác pháp mà tu tịnh tướng thì đó là ức chế tâm. Ức chế tâm làm sao ly dục ly ác pháp được.
Cấp 1 của Phật giáo là tu tập Giới Luật. Giới luật tu tập thì phải dùng tri kiến. Kinh Sonadanda dạy: “Giới luật ở đâu là tri kiến([1]) ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Như vậy, lời dạy trên đây là để tu quán tâm vô lậu, là tu tập tướng động. Tu tập tướng động, tức là tu giới luật. Có đúng như vậy không các bạn?
Nếu chúng ta không nhận xét kỹ về phương pháp tu tập thì chúng ta sẽ tu lầm lạc, cũng như học sinh cấp I mà lại trèo lên học cấp II. Học sinh học như vậy có học được không hỡi các bạn? Học như vậy, chỉ mất tiền, mất công sức mà chẳng được gì. Người tu sĩ và cư sĩ thời nay cũng vậy. Giới luật chưa nghiêm túc mà tu thiền thì chúng tôi nghĩ rằng thiền đó chỉ là thiền tưởng mà thôi.
Tóm lại, lời dạy trên đây là khuyên chúng ta nên tu tập xả tâm, chứ đừng tu tập ức chế tâm; diệt sạch vọng tưởng, đó là tu tập sai pháp. Tu theo Phật giáo, các bạn nên lưu ý vấn đề này để bảo đảm con đường tu tập cho đến nơi đến chốn.
- Pháp chướng ngại thứ ba: Là phòng hộ sáu căn là pháp môn độc cư, nhờ có độc cư tâm chúng ta mới ly dục ly ác pháp. Nếu phòng hộ sáu căn mà hội họp nói chuyện này, chuyện khác, ca hát và đi xem ca hát thì làm sao mà phòng hộ sáu căn được. Phải không các bạn? Vì lý do này mà đức Phật dạy: “Với người phòng hộ các căn, đi xem văn nghệ trình diễn là cây gai”. Lời dạy này rất đúng.
Thưa các bạn! Tu Viện Chơn Như mở cửa đón mọi người về đây tu tập, nhưng ít ai giữ gìn phòng hộ sáu căn cho trọn vẹn, cho nên họ tu tập để đi sâu vào thiền định thì rất khó khăn. Phòng hộ sáu căn để ly dục ly ác pháp mà còn chưa thực hiện được thì tu tập cái gì được. Rất tiếc cho những người này, một đời tu tập chỉ làm đá kê đường cho người khác đi. Thật là buồn tủi và xấu hổ. Sống tu hành là nhắm vào chỗ thoát ra bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi mà lại bỏ cuộc giữa đường thật là uổng phí. Uổng phí một đời mà còn làm đá trải đường cho người khác, thật là nhục nhã.
- Pháp chướng ngại thứ tư: Là người tu theo Phật giáo lấy đức hạnh sống của Phạm Thiên làm hạnh sống của mình. Sống đời sống Phạm hạnh thì không thân cận với người khác phái. Thân cận với người khác phái thì không thể nào sống đời sống Phạm hạnh được. Do đó, đức Phật dạy: “Với người sống Phạm hạnh, thân cận với người khác phái là cây gai”. Người tu sĩ Phật giáo mà không sống đời sống Phạm hạnh thì không thể nào tu theo Phật giáo được. Tại vì Phật giáo lấy Phạm hạnh làm gốc ly dục ly ác pháp. Phạm hạnh tức là tâm đã lìa xa sắc dục. Phạm hạnh không thanh tịnh thì không ly dục ly ác pháp được.
Nếu một người sống Phạm hạnh mà còn thân cận với người khác phái thì không thể sống Phạm hạnh được. Khi tu tập chưa chứng đạo mà thân cận với người khác phái thì không thể nào ly tâm sắc dục được, xin các bạn nên lưu ý cho điều này. Nó là cây gai của Phạm hạnh đấy các bạn ạ!
Lời nhắc nhở trên đây “Với người sống Phạm hạnh, thân cận với người khác phái là cây gai”, khiến cho chúng ta cần phải dè dặt, cảnh giác khi chúng ta thân cận với người khác phái.
- Pháp chướng ngại thứ năm: Là người tu thiền định để được nhập vào Sơ Thiền thì phải tìm nơi thanh vắng yên tịnh, sống một mình. Cho nên, nơi nào có tiếng ồn thì không nên tu thiền. Vì nơi đó không thể nhập thiền định được. Vì thế, đức Phật dạy: “Với người chứng thiền thứ nhất, tiếng ồn là cây gai”. Khi nhập vào Sơ Thiền mà luôn luôn bị tiếng ồn tác động vào tâm thì rất khó duy trì ở trong trạng thái Sơ thiền. Bởi vì trong Sơ Thiền sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý còn hoạt động đầy đủ, nên sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nhất là thinh trần tác động làm cho hành giả khó duy trì ở trong trạng thái Sơ Thiền. Cho nên, tiếng ồn là cây gai của Sơ Thiền.
Bởi, khi muốn nhập định Sơ Thiền thì điều cấm kị thứ nhất là tiếng ồn.
- Pháp chướng ngại thứ sáu: Là ý thức chưa dừng thì không bao giờ nhập được Thiền Thứ Hai, nói cho dễ hiểu là sáu thức phải dừng thì mới nhập được Thiền Thứ Hai, có nghĩa là mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đều ngưng hoạt động, giống như người đang ngủ.
Nếu sáu thức dừng thì cái gì biết trong Thiền Thứ Hai? Cái biết trong Thiền Thứ Hai là cái biết của tưởng thức các bạn ạ! Cái biết giống như cái biết trong giấc chiêm bao vậy.
Nếu trong giấc mộng mà còn có ý thức biết phân biệt, nhĩ thức nghe, nhãn thức thấy, v.v.. thì người ấy không nhập được Thiền Thứ Hai. Cho nên, đức Phật xác định: “Với người chứng Thiền Thứ hai, tầm tứ là cây gai”. Đúng vậy, nhập Thiền Thứ Hai mà còn tầm tứ, còn nghe âm thanh, còn thấy sắc tướng là Thiền Thứ Hai gì? Thiền điên...
Như vậy, trong Thiền Thứ Hai khi nhập vào thì sáu thức không còn hoạt động. Lúc bây giờ, người nhập Thiền Thứ Hai đang ở trong một trạng thái khác mà người đời không hiểu cho là thế giới siêu hình. Trạng thái này, con người từ xưa đến nay cho rằng: “Sau khi chết còn có sự sống”. Sự sống đó chính là trạng thái này vậy.
Thưa các bạn! Trạng thái này là trạng thái của tưởng uẩn, khi tưởng uẩn diệt thì trạng thái này cũng diệt theo. Như vậy, khi người chết thì trạng thái này cũng không còn nữa. Thế sao người ta lại bảo:“Sau khi chết còn có sự sống?”. Đó là vì con người đang sống trong điên đảo tưởng mà thấy có thế giới linh hồn sau khi chết.
Tóm lại, khi nhập vào Thiền Thứ Hai là nhập vào thế giới siêu hình tưởng, cho nên còn có tầm tứ thì không thể nhập được. Vì vậy, mới gọi tầm tứ là cây gai của nó. Xin các bạn nên lưu ý cho điều này.
Khi đọc sách Đường Về Xứ Phật chúng tôi thường nhắc các bạn về xúc tưởng hỷ lạc. Vì xúc tưởng hỷ lạc là một trạng thái do tưởng uẩn sanh ra để làm cho các bạn thích thú hoan hỷ trong khi tọa thiền.
Người tu thiền khi tu sai pháp thường ức chế tâm, do ức chế tâm nên xúc tưởng hỷ lạc sanh ra, từ đó, nếu không biết chặn đứng nó, cứ tiếp tục tu tập theo kiểu ức chế tâm, cho đến khi ý thức không còn hoạt động nữa thì người ấy đã trở thành người bệnh rối loạn thần kinh. Còn nếu ý thức còn hoạt động thì bị căng mặt, căng mũi, căng đầu, v.v.. không thể nhiếp tâm được nữa.
Khi chúng ta nhập vào Thiền Thứ Hai thì lần lượt có 18 loại hỷ tưởng xuất hiện. Do muốn ra khỏi Thiền Thứ Hai thì phải xả 18 loại hỷ tưởng này, khi xả hết 18 loại hỷ tưởng này thì chúng ta ở trong một trạng thái mới nữa, đó là một trạng thái Thiền Thứ Ba. Nếu ở trạng thái Thiền Thứ Ba này còn có một chút hỷ của Thiền Thứ Hai thì không nhập vào được Thiền Thứ Ba. Vì thế, đức Phật đã xác định: “Với người chứng Thiền Thứ Ba, hỷ là cây gai”. Khi tu thiền định hành giả cần lưu ý điều này. Nếu không rõ mà tuyên bố nhập về Bốn Thiền, thì sẽ làm trò cười cho những ai đã nhập được Bốn Thiền, bởi vì họ biết các bạn nói dối, chưa nhập Bốn Thiền mà nói mình nhập Bốn Thiền như nhiều người khác nữa, v.v..
Tứ Thánh Định là một loại thiền của những bậc Thánh chứ không phải của những kẻ phàm phu, tâm còn tham, sân, si dẫy đầy mà nói nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Rõ ràng là nói vọng ngữ. Chúng tôi xin lưu ý các bạn, Tứ Thánh Định là một loại thiền định dành cho những bậc Thánh. Cho nên nó đòi hỏi các bạn phải ly dục ly ác pháp cho thật sạch không còn một chút xíu tham, sân, si, mạn, nghi thì mới nhập nó được. Tâm còn ham ăn, ham ngủ mà nói nhập Tứ Thánh Định là các bạn phỉ báng Phật pháp.
Tóm lại, muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa các trạng thái hỷ tưởng của các bạn, nếu còn một chút xíu hỷ tưởng thì các bạn vẫn còn trong Nhị Thiền. Như vậy, hỷ là cây gai của Tam Thiền xin các bạn lưu ý cho điều này.
- Pháp chướng ngại thứ bảy: Là muốn chứng đạt Tứ Thiền thì hơi thở phải tịnh chỉ hoàn toàn, nếu còn một chút xíu hơi thở vô, hơi thở ra thì cũng không nhập được Tứ Thiền. Bởi mục đích của Tứ Thiền là các hành trong thân phải ngưng hoạt động. Cho nên, hơi thở còn thở ra, thở vô, dù là hơi thở rất nhẹ và yếu thì cũng chưa nhập Tứ Thiền. Nhưng đôi khi ngồi thiền chúng ta không còn thấy hơi thở ra, vô mà sao không nhập Tứ Thiền được?
Không nhập Tứ Thiền là vì chúng ta đang nhập trong “tưởng không” nên không cảm nhận và không thấy hơi thở ra, vô. Khi nhập định Tứ Thiền là tâm chúng ta phải thật sự thanh tịnh, có nghĩa là tâm phải ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Khi tâm thanh tịnh hoàn toàn thì tâm có bảy năng lực của Giác Chi, nhờ có năng lực của Giác Chi này mà chúng ta mới tịnh chỉ hơi thở nhập được Tứ Thiền. Tâm thanh tịnh tức là tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, cho nên nhập Tứ Thiền rất dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Vì thế, ở đây đức Phật bảo cho chúng ta biết: “Với người chứng Thiền Thứ Tư, hơi thở ra hơi thở vô là cây gai”. Khi muốn nhập Tứ Thiền, các bạn nên lưu ý lời dạy này, nó là kim chỉ nam để các bạn nhận biết đúng là mình nhập Tứ Thiền hay chưa nhập được.
- Pháp chướng ngại thứ tám: Là Diệt Thọ Tưởng Định, đây là từng định cao nhất trong các từng định. Người nhập Diệt Thọ Tưởng Định là phải diệt sạch Thọ và Tưởng, nếu còn một chút xíu Thọ và Tưởng thì không thể nào nhập được Diệt Thọ Tưởng Định. Diệt Thọ Tưởng Định nhập để chơi chứ chẳng có ý nghĩa lợi ích gì cho cuộc sống, chỉ để chứng tỏ mình nhập được định cao nhất với mọi người. Ngược lại, định Tứ Thiền có công năng giúp chúng ta làm chủ được sự sống chết và giúp chúng ta triển khai trí tuệ Tam Minh bứng sạch mầm tái sanh luân hồi. Nhưng ở đây, đức Phật dạy cho chúng ta biết, cái gì đã khiến cho chúng ta nhập Diệt Thọ Tưởng Định không được: “Với người đã đạt được Diệt Thọ Tưởng Định, tưởng, thọ là cây gai”. Các bạn nên lưu ý: Còn một chút xíu cảm thọ và tưởng thì các bạn cũng chưa nhập được Diệt Thọ Tưởng Định. Vì tưởng và thọ là chướng ngại pháp lớn của Diệt Thọ Tưởng Định.
- Pháp chướng ngại thứ chín: Trên đây đức Phật đã xác định cây gai của Giới, của Định và của Tuệ. Nếu tâm bạn còn tham, sân, si thì tham, sân si là cây gai của Giới luật và như vậy tâm bạn chưa ly dục ly ác pháp. Bởi vì tâm bạn còn những cây gai tham, sân, si...
Cho nên, đức Phật nhắc nhở và khuyên các bạn hãy cố gắng tu tập đừng để có những cây gai trên đường tìm về bến giải thoát:
“Tham là cây gai. Sân là cây gai. Si là cây gai.
Này các Tỳ Kheo, hãy sống rời khỏi những cây gai.
Này các Tỳ Kheo, hãy sống không phải là những cây gai”.
Đúng vậy các bạn ạ! Muốn đi trên con đường thoát khổ thì hằng ngày các bạn hãy siêng năng quét dọn cho thật sạch những cây gai, rời khỏi những cây gai và sống không phải là những cây gai các bạn ạ! Chính vì không hiểu lý vô thường của các pháp nên bạn là cây gai của bạn.
- Pháp chướng ngại thứ mười: Là muốn chứng quả A La Hán vô lậu giải thoát thì cuộc sống không bao giờ có những cây gai, nên đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, không có cây gai là bậc A La Hán”.
Này các Tỳ Kheo, rời khỏi cây gai là bậc A La Hán.
Này các Tỳ Kheo, vị không có cây gai và rời khỏi cây gai là bậc A La Hán”.
Xem thế, chúng ta mới biết bậc A La Hán của Phật giáo không phải là khó, chỉ cần có một cuộc sống không làm cây gai, rời khỏi cây gai, không có cây gai, chứ đâu phải cần đắc thiền, đắc định gì cả. Phải không hỡi các bạn? Trên đây là lời dạy của đức Phật đã xác định điều đó. Xin các bạn lưu ý cho.
([1])Chữ tri kiến trong kinh Sonadanda dịch là trí tuệ, chúng tôi thấy dịch trí tuệ như vậy không đúng ý kinh, vì ở đây mới tu tập giới luật thì làm sao có trí tuệ được, nên dùng chữ tri kiến tức là ý thức hiểu biết, ý thức hiểu biết chân chánh nên đức Phật gọi là: “Chánh tri kiến”. Cho nên dùng chữ tri kiến ở đây rất hợp với giới luật.
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 2.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét