Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

HẠNH ĐỨC VÀ TRÍ ĐỨC

LỜI PHẬT DẠY
HẠNH ĐỨC
“Này Mahanama!
1- Vị Thánh đệ tử nào thành tựu giới hạnh, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
2- Vị Thánh đệ tử nào hộ trì các căn, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
3- Vị Thánh đệ tử nào có tiết độ trong ăn uống, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
4- Vị Thánh đệ tử nào chú tâm cảnh giác, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
5- Vị Thánh đệ tử nào đầy đủ bảy diệu pháp, như vậy thuộc về Hạnh Dức của vị ấy.
6- Vị Thánh đệ tử nào hiện tại lạc trú bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy.
TRÍ ĐỨC
7- Vị Thánh đệ tử nào nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt, như một đời, hai đời... cùng với các nét đại cương và các chi tiết, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.
8- Vị Thánh đệ tử nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy.
9- Vị Thánh đệ tử nào với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy. Như vậy này Mahanama, vị Thánh đệ tử được gọi là Minh cụ túc, Hạnh cụ túc, Minh Hạnh Cụ Túc”.
(Kinh Trung Bộ, tập 2, trang 47, 48)
 CHÚ GIẢI:
Lúc bấy giờ đức Phật chia pháp môn của mình ra làm hai phần:
- Phần thứ nhất là Hạnh Đức.
- Phần thứ hai là Trí Đức.
Vậy Hạnh Đức nghĩa là gì? Hạnh Đức là những hành động thân, miệng không làm khổ mình, khổ người, gồm có những pháp sau đây:
HẠNH ĐỨC
1-Giới hạnh: Người tu sĩ và người cư sĩ nào tìm về tu viện Chơn Như tu tập và giữ gìn giới hạnh nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Đó là vị ấy đã thể hiện Hạnh Đức của mình, như lời đức Phật đã dạy:“Vị Thánh đệ tử nào thành tựu giới hạnh, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”. Như vậy giới luật là “Hạnh Đức” của người tu sĩ và người cư sĩ. Xin các bạn nên ghi nhớ: Người tu sĩ và người cư sĩ nào phạm giới, phá giới là những người không có Hạnh Đức.
2-Hộ trì các cănNgười tu sĩ và người cư sĩ nào tìm về tu viện Chơn Như tu tập và biết hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, làm cho nó không dính mắc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp tức là sống độc cư trọn vẹn, không hề phá hạnh độc cư thì người ấy đang thể hiện Hạnh Đức của mình như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào hộ trì các căn, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”. Ở đây, phần đông tu sĩ và cư sĩ về Chơn Như tu tập, đều phá hạnh độc cư, thích đi nói chuyện. Cho nên, những người tu sĩ và cư sĩ này không có hạnh đức, vì thế họ tu hành chẳng tới đâu, chỉ tu hành cho có hình thức.
3Tiết độ trong ăn uống: Người tu sĩ và nguời cư sĩ nào đã tìm về tu viện Chơn Như tu tập mà biết tiết độ trong ăn uống, có nghĩa là không ăn uống phi thời, chỉ ăn ngày một bữa. Đó là người đang thể hiện Hạnh Đức của mình như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào có tiết độ trong ăn uống, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”. Ăn ngày một bữa tuy vậy cũng không phải dễ các bạn ạ! Cho nên, họ vừa ra khỏi cổng chùa là đã ăn uống phi thời. Cho nên, Hạnh Đức về ăn uống không phải dễ, đối với những người còn mang đầy ắp thân kiến, sợ thân bệnh, sợ thân chết, v.v.. Xin các bạn lưu ý: Muốn tìm sự tu tập để được giải thoát thì ăn uống là Hạnh Đức rất cần thiết cho các bạn. Các bạn ăn uống phi thời thì công phu tu tập của các bạn chỉ hoài công vô ích.
4Chú tâm cảnh giácNgười tu sĩ và cư sĩ nào biết chú tâm cảnh giác từng tâm niệm, từng đối tượng của mình để ngăn và diệt các pháp ác, đó là người đang thể hiện Hạnh Đức của mình như đức Phật đã dạy:“Vị Thánh đệ tử nào chú tâm cảnh giác, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”.
Thưa các bạn! Chú tâm cảnh giác là một pháp môn tuyệt vời, nhưng các bạn có biết nó là pháp môn gì không? Đó là Định Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ. Định Vô Lậu trên Tứ Niệm Xứ là Hạnh Đức của vị tu sĩ và của vị cư sĩ, vì vậy nó là một Hạnh Đức rất quan trọng trong sự tu tập đi đến cứu cánh hoàn toàn.
5- Đầy đủ bảy diệu phápNgười tu sĩ và cư sĩ nào đã tu tập đầy đủ bảy diệu pháp, như bảy diệu pháp mà chúng tôi đã giảng ở một bài trước, trong tập sách này (xin các bạn vui lòng đọc lại), thì người ấy đang thể hiện Hạnh Đức của mình như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào đầy đủ bảy diệu pháp, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”. Bảy diệu pháp là bảy phương pháp tu tập để thực hiện Hạnh Đức của một tu sĩ và của một cư sĩ Phật giáo xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Xin các lưu ý cho.
6-Hiện tại lạc trú Bốn thiềnNgười tu sĩ và người cư sĩ nào đã tu tập đầy đủ thiện pháp thì nhập Hiện Tại Lạc Trú Bốn Thiền không có khó khăn và mệt nhọc, là người ấy đang thể hiện “Hạnh Đức” của mình, như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào hiện tại lạc trú bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức, như vậy thuộc về Hạnh Đức của vị ấy”. Hiện tại lạc trú Bốn Thiền là phương pháp tu tập để thực hiện Hạnh Đức của người tu sĩ và của người cư sĩ Phật giáo. Nhờ có hạnh đức này mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật. Xin các lưu ý cho.
TRÍ ĐỨC
Vậy Trí Đức nghĩa là gì? Trí Đức là những hành động tâm ý thức không làm khổ mình, khổ người, gồm có những pháp sau đây:
7- Nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt, như một đời, hai đời và nhiều đời...Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện được tâm thức (thức uẩn) nhớ đến nhiều đời, nhiều kiếp của mình trong quá khứ, là người ấy đang thể hiện “Trí Hạnh[1]” Túc Mạng Minh của mình, như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt, như một đời, hai đời ... cùng với các nét đại cương và các chi tiết, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy”. Ở đây, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ ràng. Trong thân chúng ta có ba thức để hiểu biết, suy tư và ghi nhớ nghĩ:
1. Ý thức thuộc về sắc uẩn, có sự ghi nhớ, nhớ lại, suy tư và hiểu biết, nhưng bị hạn cuộc trong không gian và thời gian.
2. Tưởng thức thuộc về tưởng uẩn có sự tưởng nghĩ, ghi nhớ, nhớ lại không bị không gian và thời gian hạn cuộc, nhưng không được vô tận.
3. Tâm thức thuộc về thức uẩn có sự ghi nhớ, nhớ lại vô cùng tận không bị không gian và thời gian hạn cuộc. Trí Đức thứ nhất là Túc Mạng Minh do tâm thức ghi nhớ lại nhiều đời nhiều kiếp của mình.
Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, là người ấy đang thể hiện “Trí Hạnh” Thiên Nhãn Minh của mình.Như đức Phật đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh... đều do hạnh nghiệp của chúng, như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy”.
Người tu sĩ và người cư sĩ nào thể hiện với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát là người ấy đang thể hiện “Trí Hạnh” Lậu Tận Minh của mình. Như Đức đã dạy: “Vị Thánh đệ tử nào với sự đoạn tận các lậu hoặc, tự mình ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậutâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy thuộc về Trí Đức của vị ấy”.
Tóm lại, đoạn kinh này đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy rằng Phật giáo chỉ là một con đường đạo đức dạy làm Người, làm Thánh chứ không có gì là thiền định huyền bí, cao siêu, vi diệu, thần thông, pháp thuật siêu việt như mọi người nghĩ tưởng. Đạo Phật cũng không chấp nhận và cũng không nương tựa vào Thần, Thánh, Tiên, Phật hoặc Bồ Tát, tà ma, quỷ quái để cầu cạnh, van xin, cúng bái, tế lễ, v.v.. mà chỉ là những Đức Hạnh, Trí Hạnh sống hằng ngày của mỗi con người, ai cũng có thể tu tập được, rất thực tế và cụ thể. Những Đức Hạnh, Trí Hạnh ấy giúp cho loài người có một đời sống an vui và hạnh phúc. Những Đức Hạnh và Trí Hạnh đó được gọi bằng những danh từ rất tuyệt hảo: “Minh Cụ Túc, Hạnh Cụ Túc, Minh Hạnh Cụ Túc”.
Để kết thúc đoạn kinh này, đức Phật đã chỉ thẳng giáo pháp của Ngài là nền đạo đức bằng trí tuệ của loài người: “Như vậy này Mahanama, vị Thánh đệ tử được gọi là Minh Cụ Túc, Hạnh Cụ Túc, Minh Hạnh Cụ Túc”.


[1] -Trí Hạnh là hành động của Trí Đức, nên ở đây là chỉ cho hành động Túc Mạng Minh, chứ không phải là Tam Minh, nhưng phải hiểu Trí Hạnh là một hành động trong Trí Đức, không thể gọi Trí Đức là Túc Mạng Minh được, mà phải gọi Trí Đức là Tam minh thì mới đúng nghĩa.

 ________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét