Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

KHÓ! KHÓ! KHÓ!!!

LỜI PHẬT DẠY
“Như Lai ra đời rất khó gặp, thân người khó được, sanh trưởng vào trung tâm của đất nước cũng khó được, gặp thiện tri thức cũng khó, gặp được chánh pháp cũng khó, nghe được pháp cũng khó”.
          (Tăng Nhất A Hàm tập 3 trang 218)

CHÚ GIẢI:
Đời người sanh ra có sáu cái khó mà mọi người chẳng ai lưu ý, vì thế cuộc đời phải chịu biết bao nhiêu điều thống khổ. Khi tu hành chứng đạo, đức Phật nhìn thấy chúng sanh bạc phước, vô duyên nên cảnh báo cho biết có sáu điều khó để mọi người cảnh giác như đoạn kinh trên đây đã xác định:
Khó thứ nhất: “Như Lai ra đời rất khó gặp”. Vậy Như Lai nghĩa là gì? Như Lai là một danh hiệu của đức Phật.
Sanh ra được đồng thời với đức Phật là một điều khó, cũng như chúng ta hiện giờ làm sao sanh ra đồng thời với đức Phật được. Phải không hỡi các bạn?
Chúng ta sinh ra đời đã cách xa đức Phật 2548 năm, đến ngày nay nhìn lại tu sĩ hay cư sĩ của Phật giáo ngoài hình thức đầu tròn áo vuông của một tu sĩ, hay một cư sĩ mà thôi còn bên trong chỉ là Ma Ba Tuần đội lốt để kinh doanh mê tín, trừu tượng, ảo giác thế giới siêu hình. Vì thế, người tu theo Phật giáo rất đông, nhưng chẳng có ai giải thoát thực sự. Nếu tất cả mọi người được sanh ra đồng thời với đức Phật là một điều may mắn nhất trên đời, nhờ đó chúng ta nương tựa vững chắc vào Ngài tu hành, thì đến nay mọi người sẽ tu hành chứng đắc quả A La Hán không biết bao nhiêu kể cho hết.
Bởi vậy gặp Phật là khó, ngày xưa khi đức Phật sinh ra, nhà vua nhờ vị Tiên nhân Asita đến xem tướng số cho đức Phật thì ông quỳ xuống đảnh lễ Phật sơ sinh và khóc to. Nhà vua thấy thế mới hỏi:
Sao ông lại khóc?
Tiên nhân Asita trả lời:
- Ngày sau này thái tử lớn lên đi tu thành Phật, lúc bây giờ tôi đã chết rồi còn đâu hỏi đạo tu hành, nên tôi khóc vì buồn tủi.
Sinh ra không đồng thời với bậc Giác ngộ là một điều bất hạnh to tát của đời người, bởi vì “Như Lai ra đời rất khó gặp”.
Gặp được Phật ra đời là khó. Sinh ra đồng thời với Phật không phải dễ. Nhưng biết bao nhiêu người sinh ra đồng thời với Phật mà chưa hề biết đến Phật. Người biết đến Phật trong thời đó chỉ là thiểu số trong dân tộc Ấn Độ. Nhưng có những kẻ gặp được Phật lại phỉ báng Phật, lăng nhục Phật, muốn giết Phật, v.v.. Thật là “vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Khó thứ hai“Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển Đông”.
Lời dạy này chúng ta hãy tư duy. Khi mất thân này rồi, trăm muôn ngàn kiếp không biết có đủ duyên để sanh lại làm người nữa hay không? Chắc khó lắm. Nhưng thân người chỉ sống có một thời gian quá ngắn ngủi, thế mà người đời đã tiêu phí năm tháng của thân này một cách nhảm nhí, chẳng có ích lợi gì cả, chỉ loanh quanh để phục vụ cho những điều bất tịnh: ăn, ngủ, dâm dục, đi cầu chứ chẳng có nghĩa lý gì tốt đẹp. Có phải vậy không các bạn?
Người cư sĩ cũng như người tu sĩ, họ đều biết cuộc đời là khổ, thế nhưng họ không dám buông bỏ. Không dám buông bỏ, nhưng rồi cũng phải buông bỏ để đi vào cõi chết với hai bàn tay trắng. Con người chết đi thân ngũ uẩn tan hoại hết, không còn tồn tại một vật gì, nhưng vì cuộc sống hằng ngày luôn tạo thiện hay tạo ác. Do hành động tạo thiện ác đó đã trở thành nghiệp lực tham, sân, si. Nghiệp lực tham, sân, si tiếp tục tương ưng với tâm tham, sân, si của mọi người và mọi loài vật mà tái sanh luân hồi.
Bởi không buông bỏ tâm tham, sân, si tức là chấp nhận nó để tiếp tục sống trong sự đau khổ như tất cả các loài chúng sanh khác. Còn nếu theo lộ trình tu hành của Đạo Phật mà biết buông bỏ sạch thì họ không còn khổ đau nữa và cũng chấm dứt luân hồi.
Tu sĩ và Cư sĩ thời nay chẳng có vị nào buông bỏ cả. Họ tích lũy thêm vật chất, sống rất tiện nghi như một người giàu có và họ cũng còn ham vui như người thế tục. Đi tu như họ chỉ uổng công mà thôi. Họ không tiếc thời gian của thân họ sắp tàn tới nơi rồi, tuổi đời không còn mấy năm nữa, nên Phật dạy: “được thân người là khó” thế mà mấy ai biết !!!
Khi chết rồi không chắc gì chúng ta sẽ sinh làm thân người liền, mà phải sanh làm loài vật như cá, tôm, vịt, gà, heo, dê, trâu bò, chó, ngựa, v.v.. chỉ vì chúng ta đã giết chúng để ăn thịt. Nợ xương máu phải trả chứ không thể nào trốn chạy thoát khỏi. Ăn một mạng chúng sanh phải trả mười mạng. Các bạn có biết không?
Như vậy, được thân người là khó chứ đâu phải dễ. Một đời của bạn biết bao nhiêu tôm, cá, gà, vịt, heo, dê đã chôn vùi trong thân bạn. Một con vật bị bạn ăn thịt thì bạn phải tái sanh làm mười con vật. Và như vậy, từ khi bạn mới biết ăn thì cha mẹ đã cho bạn ăn thịt cá, đến suốt cuộc đời bạn bảy tám mươi tuổi thì số lượng thịt cá bạn ăn không thể tính hết được. Theo luật nhân quả phải nhân lên gấp mười lần thì biết chừng nào bạn trả cho hết thân mạng chúng sanh! Cho nên, được thân người là khó lắm bạn ạ!
Được thân người mà làm người thật người thì còn khó hơn. Phải không hỡi các bạn?
Bởi vì như các bạn đã biết: con người thật người thì phải sống đúng năm tiêu chuẩn này:
1- Hiếu sinh
2- Buông xả và cần lao
3- Chung thủy
4- Thành thật
5- Sáng suốt, minh mẫn
Hiện giờ như chúng ta đã biết: con người chỉ là hình người mà tâm địa là loài động vật. Có phải vậy không các bạn? Cho nên, con người sinh ra nhiều nhưng không phải người thật các bạn ạ. Vì thế, chúng ta xác định những con người mà chúng ta gặp hằng ngày là từ loài thú vật đã trải qua nhiều kiếp làm loài thú vật để trả nợ nhân quả, vì thế họ đã huân nhiều sự ác độc, hung dữ. Đến khi họ được sinh ra làm người thì bản chất loài thú vật vẫn còn nguyên. Cho nên, con người hiện giờ rất hung dữ, tham lam và độc ác. Mọi người vì miếng cơm manh áo mà chà đạp lên cuộc sống của nhau chẳng chút thương tâm. Xét cho cùng, một con người chết đi đến khiđược sinh ra làm người trở lại thì phải trải qua làm thân chúng sanh vô lượng vô biênkiếp. Do vậy, đức Phật bảo rằng: quá khó. Nếu xét ra các bạn có thấy đúng như vậy không?
Từ những con người đã có gieo duyên với chánh pháp của Phật bằng cách “Thọ Bát Quan Trai” nên may mắn nhờ duyên này gặp lại được chánh pháp. Từ đó, chúng ta tu sửa lần lần bỏ những ác hạnh bản chất của loài động vật, sống đúng năm thiện hạnh không còn sai trái vi phạm những lỗi lầm. Nhờ sự tu tập theo thiện pháp ngăn và diệt ác pháp, chúng ta đã trở thành con người thật người. Từ con người thật người, khi chết đi chúng ta tiếp tục sinh làm người ngay liền, vì chúng ta không có vay nợ máu xương của loài động vật khác nữa. Do đó nhân quả không có. Cho nên, một con người thật người sinh ra là không ăn thịt chúng sanh, không tham lam, trộm cắp, cướp của, không vọng ngữ, không tà dâm, không ưa thích uống rượu. Những đứa trẻ sinh ra mà mang bản chất như vậy là con người thật người. Những con người ấy được nuôi dưỡng theo đúng chánh pháp của Phật thì những người này sẽ dễ dàng trở thành những bậc Thánh A La Hán sau này.
Ở đây, chúng tôi xin lưu ý các bạn, muốn sinh ra được làm người thì không phải khó, bởi vì đức Phật đã cho chúng ta biết năm tiêu chuẩn để được làm người. Chỉ cần các bạn sống đúng năm tiêu chuẩn ở trên thì lúc nào bỏ thân này các bạn sẽ có thân người mới ngay liền, không có khó khăn, vì năm tiêu chuẩn ở trên là năm tiêu chuẩn làm người chân thật không còn mang bản chất loài cầm thú. Cho nên, hiện giờ các bạn thấy người sinh ra rất nhiều, nhưng người thật người rất ít các bạn ạ!
Các bạn cũng nên nhớ: Được thân người còn mang bản chất loài thú vật đã khó khăn vô cùng, phải trải qua vô lượng kiếp làm chúng sanh, như trên đã nói, huống hồ là được thân người thật người còn khó hơn. Phải không hỡi các bạn?
Bởi vậy, muốn được thân người thật người thì các bạn ngay bây giờ hãy bắt đầu tập sống cho đúng năm điều thiện ở trên đã nói. Nhờ sống đúng năm điều thiện này thì không bao giờ các bạn còn làm thân chúng sanh nữa. Các bạn có nhớ không?
Khó thứ ba“Được sanh vào trung tâm của đất nước là khó”.
Những con người sinh ra ở những nơi biên cương thống khổ vì nơi đó thường hay có giặc giã, trộm cướp, v.v..; những nơi ấy đất cày lên sỏi đá, chai cằn cỗi; những nơi ấy khó được học tập kiến thức sâu rộng; những nơi ấy làm ra thực phẩm rất vất vả và khó khăn. Cho nên “Được sanh vào trung tâm của đất nước là khó”. Chỉ nơi trung tâm của đất nước mới có sự yên ổn, mới có cơm ăn áo mặc đầy đủ, mới có đủ duyên trau dồi kiến thức và nơi đó mới có những bậc Thánh xuất hiện dạy người sống có đạo đức, để tu tập trở thành những bậc Thánh Hiền.
Khó thứ tưĐược gặp thiện hữu tri thức là khó”.
Trong thời đại nào cũng vậy, ác hữu tri thức thì nơi đâu cũng có, còn thiện hữu tri thức thì dù có thắp đuốc đi suốt ngày đêm từ năm này đến năm khác cũng rất khó gặp.
Bởi vì, trong thời đại tu hành theo Phật giáo hiện tại của chúng ta, ác hữu tri thức thì không thiếu gì. Họ chỉ học hỏi kiến giải trong kinh sách, chứ chưa có vị nào tu chứng đắc. Lấy sự học ra làm thầy hoặc tu hành chỉ có hình thức, tu chưa đến đâu mà vội đem ra dạy thiên hạ tu hành, thì các bạn nghĩ sao? Có phải những hạng thầy này chỉ là những hạnggiỏi lừa gạt người bằng khoa ngôn ngữ học lỏm của người khác? Cho nên, người tu theo Phật giáo thì đông như kiến, nhưng thành tựu đạo giải thoát thì chẳng có ai. Vì thế, đức Phật dạy: “Được gặp thiện hữu tri thức là khó”.
Thưa các bạn! Thiện hữu tri thức đâu phải dễ tìm. Họ là những bậc tu chứng: thứ nhất là chứng Giới luật; thứ hai là chứng Thiền định; thứ ba là chứng tuệ Tam Minh. Những bậc tu chứng như vậy mới được gọi là thiện hữu tri thức, mới là những bậc Thầy của chúng ta. Khi chúng ta muốn tìm một bậc thiện hữu tri thức nào, thì phải xem xét cho kỹ ba cấp chứng đạo này. Nếu trong ba cấp này xét thấy họ không chứng được cấp nào hết thì họ là những ác tri thức, chúng ta không nên thân cận.
 Bậc thiện hữu tri thức là người không những học thức thông suốt giáo pháp mà còn tu hành chứng đạo, sống một đời sống đạo đức trọn vẹn, giới luật không hề vi phạm, thường làm gương đức hạnh cho mọi người soi. Những bậc này trong đời người rất khó tìm kiếm. Cho nên, đức Phật bảo gặp thiện hữu tri thức khó là như vậy.
Khó thứ năm: “Gặp Chánh pháp là khó”.
Gặp chánh pháp là khó, vì hiện giờ quý vị muốn tìm chánh pháp để tu tập được giải thoát thì đâu phải là một việc dễ, bởi vì Phật giáo hiện đang có tám mươi bốn ngàn pháp môn của Đại Thừa. Chính tám mươi bốn ngàn pháp môn này đã đánh lạc hướng quý vị. Quý vị có biết không?
Trong khi ấy Đạo Phật duy chỉ có một pháp môn chân chánh. Đó là Bát Chánh đạo. Bát Chánh Đạo đang bị dìm mất nên hỏi đến tín đồ Phật giáo thì họ đều ngơ ngẩn không biết tu tập Bát Chánh Đạo như thế nào, và họ cũng không hiểu nữa. Do đó, muốn tu theo Phật giáo họ chẳng biết tìm đâu ra pháp chân chánh, vì chùa nào hiện giờ cũng dạy ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, cầu cúng, lễ bái, sám hối, v.v..
Vì thế, đức Phật dạy: “Gặp Chánh pháp là khó”. Đúng vậy. Hiện giờ muốn tu hành theo Phật giáo mà không có một vị tu chứng quả A La Hán hướng dẫn thì rất khó cho chúng ta biết pháp nào tu tập đến nơi đến chốn giải thoát hoàn toàn. Cho nên, “Gặp Chánh pháp là khó”,lời dạy ấykhông bao giờ sai. Phải không quý vị?
Khó thứ sáu“Nghe được Chánh pháp là khó”.
Nghe được Chánh pháp là khó. Tại sao vậy? Vì quý vị đã chịu ảnh hưởng giáo pháp của Đại Thừa và Thiền Tông quá sâu đậm, nên kiến chấp (kiến kiết sử) về tà giáo này quá kiên cố. Nó đã trở thành một thói quen tu hành ức chế thân tâm của quý vị rất khó bỏ, nhất là ngồi thiền giữ tâm hoặc niệm Phật nhất tâm, hoặc sổ tức, tùy tức không cho niệm khởi. Khi tu tập ức chế tâm như vậy đã trở thành một thói quen với 18 loại hỷ tưởng xuất hiện, mà các vị Sư Thầy trong Đại Thừa và Thiền Tông cho đó là nhập định. Từ đó, thói quen này đã trở thành một nếp nhăn trong đầu óc của quý vị Sư Thầy này.
Bị kiến chấp quá kiên cố, nên khi nghe pháp môn tu thiền xả tâm thì quý vị đâu hiểu rõ xả như thế nào, cho nên khi tu tập quý vị đều rơi vào pháp ức chế tâm mà không biết. Khi tu pháp thiền ức chế tâm, quý vị đã quen tập trung tâm cho hết vọng tưởng; khi không vọng tưởng cho là mình tu tập tốt, còn có vọng tưởng cho là mình tu tập thất niệm, tu không chất lượng, tu không tiến bộ. Cũng như do từ kiến chấp pháp môn của Đại Thừa và Thiền Tông cho rằng không niệm khởi là tu đúng. Với kiến chấp và thói quen như vậy quý vị muốn gạt bỏ nó để tu hành trở lại pháp môn xả tâm chân chánh của Đạo Phật thì rất khó, khó muôn vàn. Phải không quý vị?
- Thứ nhất, là vì thói quen tập trung gom tâm vào một đối tượng như ngựa quen đường cũ.
- Thứ hai, tư tưởng chưa thông suốt chân lý Phật giáo, còn bán tin bán nghi Đại Thừa và Nguyên Thủy, chưa biết phân biệt pháp nào đúng, pháp nào sai.
Kính thưa các bạn! Nếu các bạn quyết tâm tu hành để cầu sự giải thoát thì các bạn hãy lắng nghe cho kỹ những lời chúng tôi dạy, khi nào hiểu tường tận, biết rõ pháp môn Đại Thừa là pháp tưởng của ngoại đạo Bà La Môn thì chừng đó các bạn mới nên tu tập thiền định xả tâm ly dục ly ác pháp, mới thấy được kết quả tốt. Còn chưa thông suốt, còn bán tin bán nghi thì các bạn khoan vội tu tập mà hãy nên chịu khó nghiên cứu kỹ lại tạng kinh Nguyên Thủy do HT Minh Châu dịch từ Tạng kinh Pali.
 ________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 1.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét