LỜI PHẬT DẠY
“Bậc trâu chúa, thù thắng.
Bậc anh hùng, đại sĩ.
Bậc chiến thắng, không nhiễm.
Bậc tẩy sạch, giác ngộ.
Ta gọi Bà La Môn”.
Kinh Pháp Cú
CHÚ GIẢI:
Người tu hành theo Phật giáo phải như con trâu chúa, lúc nào cũng phải đứng lên trên Trời, Người, nên câu kệ thứ nhất trong bài này đức Phật dạy: “Bậc trâu chúa, thù thắng”. Đúng vậy, Người tu sĩ Phật giáo phải là người anh hùng, kiên gan, bền chí như đất trời không hề lùi bước trước gian nan, khó khăn nào cả. Nên câu thứ hai đức Phật dạy người tu sĩ theo Phật giáo xem cái chết nhẹ như lông hồng phải chứng tỏ mình:“Bậc anh hùng, đại sĩ”.Thế mà thời nay nhìn lại tu sĩ Phật giáo phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới thì còn gì là bậc trâu chúa, bậc thù thắng, bậc anh hùng đại sĩ. Phải không các bạn? Toàn là những bậc ăn bám vào tín đồ giống như loài ký sinh trùng (trùng trong lông sư tử).
Người tu sĩ Phật giáo phải luôn luôn là người chiến thắng giặc ăn, giặc ngủ, giặc hội họp, giặc tham, giặc sân, giặc si... Muốn chiến thắng được như vậy thì giới luật là khuôn phép để chúng ta khép mình, sống đúng Thánh hạnh, để tôi luyện mình trở thành những thanh thép hữu ích cho mình, cho người, cho đời, cho xã hội, cho quê hương đất nước, cho thế giới, cho cả sự sống trên hành tinh này.
Nếu không tôi luyện mình như vậy, thì thân tâm dễ bị ô nhiễm những dục lạc thế gian. Phải không các bạn? Bởi vậy, bậc chiến thắng đệ tử của đức Phật phải là những người không đắm nhiễm; không đắm nhiễm tất cả mọi dục lạc. Nếu chỉ còn đắm nhiễm một chút xíu dục lạc nhỏ như hạt phù sa sông Hồng[1]thì cũng chưa phải là người chiến thắng giặc sanh tử, cho nên đức Phật dạy:“Bậc chiến thắng, không nhiễm”.
Từ không nhiễm lớn đến không nhiễm nhỏ, hoàn toàn phải sạch bóng sự ô nhiễm thì mới được gọi là bậc Giác Ngộ. Vì thế, trong bài kinh Pháp Cú đã dạy:
“Bậc tẩy sạch, giác ngộ”
Nếu không quét sạch giặc tham, sân, si... ngũ triền cái, thất kiết sử... thì làm sao có sự thanh bình trong tâm hồn mình. Phải không hỡi các bạn?
Qua bài kệ này, muốn được đức Phật chấp nhận mình là một Bà La Môn đúng nghĩa của Bà La Môn thì phải sống đầy đủ đức hạnh không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Dựa vào lời dạy trên đây, chúng ta xét thấy trong thời đức Phật còn tại thế có thể chia ra bốn loại Bà La Môn:
1- Bà La Môn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới.
2- Bà La Môn cúng bái tế tự, cầu siêu, cầu an, làm những điều mê tín, v.v..
3- Bà La Môn xây dựng thế giới tâm linh, sống trong ảo tưởng, mơ mộng hư ảo; lừa đảo, lường gạt người để được ngồi trong mát ăn bát vàng.
4- Bà La Môn chuyên tu tập luyện thần thông trừ tà, yểm quỷ, bắt ma trị bệnh bằng phù phép tạo ra một thế giới siêu hình huyền ảo khiến cho con người mất hết sức tự chủ, chỉ còn biết tựa nương vào Thần Thánh, Tiên, Phật hoặc Bồ Tát cứu khổ cứu nạn.
Những hạng Ba La Môn này, ngày xưa đức Phật còn tại thế không bao giờ chấp nhận, chỉ có ngày nay Đại Thừa chấp nhận và vì thế, những người tu sĩ Đại Thừa có một nếp sống và những việc làm mơ hồ ảo tưởng, mê tín lạc hậu, bùa chú thần thông pháp thuật cũng giống như những Bà La Môn ngày xưa đã nói ở trên. Còn đức Phật thì cho những tu sĩ đó là Ma Ba Tuần đang phá và diệt Phật giáo.
Qua bài kệ này, chúng ta thấy rõ ràng đức Phật đã tự cho mình là Bà La Môn, “Ta gọi Bà La Môn”theo nghĩaBà La Môn phải là những bậc:
1- Bậc trâu chúa, thù thắng.
2- Bậc anh hùng, đại sĩ.
3- Bậc chiến thắng, không nhiễm.
4- Bậc tẩy sạch, giác ngộ.
Nhìn vào tiêu chuẩn bốn bậc Bà La Môn ở trên đây thật khó cho một người không có quyết tâm cao, không có nhiệt tâm nồng cháy trong việc đi tìm đường giải thoát, đi tìm đường liễu sinh thoát tử trở thành những bậc này. Phải không hỡi các bạn?
[1]Sông Hồng là một giòng sông lớn xuất phát từ bên nước Trung Quốc chảy ra biển Đông, ngang qua nước Việt Nam. Tác giả mượn tên sông Hồng là chỉ cho người Việt Nam cũng làm được một việc vĩ đại như người Ấn Độ.
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét