LỜI PHẬT DẠY
“Này Ananda, nếu Tỳ kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỉ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỉ trong hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, sự kiện như vậy không xảy ra”.
(Kinh Trung Bộ tập III trang 302-303,
kinh Đại không) |
CHÚ GIẢI:
Kính thưa các bạn! Các bạn có đọc và nghe lời Phật dạy trong đoạn kinh này không? Tỳ kheo nào ưa thích hội họp, ưa thích nói chuyện trong nhóm của mình, trong nhóm của người khác, thì Tỳ kheo ấy tu hành không có kết quả, chỉ tu chơi uổng phí một đời tu hành.
Kính thưa các bạn! Tu chơi thì đi tu để làm gì. Phải không các bạn? Tu thì phải thật tình tu, tu thì phải hết sức mình để mang lại sự lợi ích lớn cho mình, cho người.
Cho nên, những tu sĩ Phật phải lấy hạnh độc cư làm cuộc sống của mình; phải lấy hạnh độc cư làm ngọn đuốc soi đường cho mình đi; phải lấy hạnh độc cư phòng hộ sáu căn giúp cho thân tâm bất động thanh tịnh; phải lấy hạnh độc cư làm căn cứ địa để chiến đấu với giặc sanh tử luân hồi; phải lấy hạnh độc cư biến mình thành con tê ngưu một sừng sống không hề sợ hãi, khiếp đảm bất cứ một trở ngại nào.
Người tu sĩ đạo Phật có thành tựu được đạo giải thoát là nhờ hạnh độc cư. Hạnh độc cư bị phá vỡ thì con đường tu của các bạn sẽ là con đường cùng và đời sống của các bạn đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo.
Kính thưa các bạn! Các bạn đừng lầm lạc độc cư của đạo Phật với độc cư của ngoại đạo. Độc cư của đạo Phật là giới luật, là đức hạnh. Cho nên “Im lặng như Thánh” là giới hạnh trầm lặng của bậc Thánh Hiền biết sống im lặng như Thánh để lắng nghe các ác pháp và các cảm thọ; để lắng nghe tâm bất động trước mọi hoàn cảnh, mọi sự việc đang diễn biến không ngừng theo qui luật nhân quả. Cho nên, im lặng như Thánh là để lắng nghe bốn chỗ thân, thọ, tâm và các pháp của các bạn đang thanh thản, an lạc và vô sự hay đang bị chướng ngại. Nếu thân, thọ, tâm và các pháp đang bị chướng ngại pháp thì các bạn phải sử dụng ngay liền Chánh Niệm Tỉnh Giác hay Định Niệm Hơi Thở để nhiếp phục tức là đẩy lui chúng ra khỏi thân, thọ, tâm, pháp để đem lại sự bình an cho nó. Như vậy, im lặng như Thánh chính là đang tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Người đang tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ thì đâu còn thời gian rảnh rỗi mà đi nói chuyện, mà thích hội họp. Người không biết tu tập Tứ Niệm Xứ mới đi nói chuyện, mới phá hạnh độc cư. Cho nên, độc cư là giới hạnh, giới đức để tu tập Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ và hạnh độc cư hai pháp có liên quan mật thiết như cánh tay mặt và cánh tay trái. Hai pháp này rất quan trọng trong sự nghiệp tu tập tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Như vậy, độc cư có tầm quan trong sự nghiệp tu hành của các bạn, các bạn cần nên lưu ý!
Kính thưa các bạn! có người bảo rằng: chúng tôi không chấp nhận hạnh độc cư, tu là phải có đối tượng để xả tâm, tu mà không có đối tượng là tu tập ức chế tâm. Với ý kiến này có đúng không các bạn?
Với ý kiến này chỉ là người mới bắt đầu tu tập những đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng để tập sống đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Đây là giai đoạn tu tập của người cư sĩ còn sống trong gia đình, còn tiếp duyên với xã hội, còn giao thiệp với mọi người; còn lao tác mọi việc vì cuộc sống của mình, của những người trong gia đình thì không thể tu tập như người tu sĩ được.
Chừng nào bước vào giai đoạn tu tập thứ hai, vì giai đoạn tu tập thứ hai này thì không giống như ở giai đoạn thứ nhất các bạn ạ!
Khi bước qua giai đoạn thứ II thì nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng đã nhuần nhuyễn, nên đối với pháp này chỉ còn là một phản ứng rất tự nhiên, vì thế nhẫn nhục mà không nhẫn nhục, tùy thuận mà không tùy thuận tức là không có chỗ còn ức chế chịu đựng của tâm nữa. Vì thế, bằng lòng không còn là bằng lòng gượng ép làm vui lòng người trước nghịch cảnh của các ác pháp. Nghịch cảnh của các ác pháp không tác động được thân, tâm người đã tu tập nhuần nhuyễn những đức hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn lập đức lập hạnh của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ. Đó là sống với những đức hạnh ăn, ngủ, độc cư. Ăn, ngủ, không phi thời có nghĩa tu hành lập đức Thánh hạnh này tức là làm chủ được ăn và ngủ, khi ăn, ngủ không phi thời thì mới sống Thánh hạnh độc cư. Chính nhờ Thánh hạnh độc cư mà tâm họ không phóng dật.
Có người cho rằng nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là không phải giới luật. Họ đã hiểu sai. Nhẫn nhục, tùy thuận bằng lòng là giới đức, giới hạnh và giới hành của một tu sĩ Phật giáo.
Có bao giờ các bạn nghe và đọc kinh sách nói đến đức nhẫn nhục, đức tùy thuận, đức bằng lòng chưa? Đó là những đức hạnh của những bậc Thánh, chứ không phải người phàm phu mà sống được.
Khi các bạn quyết tâm tu hành để tìm cầu sự giải thoát mà các bạn thích hội họp nói chuyện là các bạn không lập đức hạnh độc cư, dù các bạn có tu pháp nào, cũng chẳng có lợi ích gì cho các bạn cả, và có thể tâm trí của các bạn còn tệ hại hơn nữa.
Trong bài kinh này tuy lời cảnh giác đơn giản nhưng rất thấm thía: “Này Ananda, nếu Tỳ kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, của người, hân hoan trong hội chúng của mình, của người, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỷ trong hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không có khó khăn, chứng đắc không có mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc, sự kiện như vậy không xảy ra”.
Tóm lại, đoạn kinh này người không sống đúng hạnh độc cư, không phòng hộ sáu căn, thường để tâm phóng dật thì sự tu hành chẳng có kết quả gì, chỉ uổng công mà thôi. Tâm tham, sân, si bị ức chế nên dẫy đầy sự ham muốn dục lạc thế gian. Do đó, càng tu tập thì chùa càng to, Phật càng lớn; càng tu tập vật chất càng nhiều, hạnh ba y một bát đâu còn nữa? Cũng từ nơi sống không phòng hộ sáu căn, sống không giữ gìn hạnh độc cư, sống ăn ngủ phi thời, sống không đúng Phạm hạnh, không thiểu dục tri túc, không ba y một bát, sống trụ thế tăng, không du tăng khất sĩ. Vì thế, Thánh hạnh giải thoát của tu sĩ đã đảo lộn, biến tu sĩ Phật giáo thành tu sĩ Bà La Môn thật là đáng thương. Tu theo Phật giáo, trở thành tu sĩ ngoại đạo mà không biết chỉ có mang danh từ “Phật giáo Đại Thừa”.
Các bạn hãy lắng nghe đoạn kinh này mà suy ngẫm con đường tu tập của mình, ở giai đoạn thứ nhất: “Này Ananda, như sự an trú này đã được Như Lai toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý với tất cả tướng, chứng đắc và an trú nội không, và nếu này Ananda, trong khi Như Lai an trú trong an trú này nếu có những Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần ngoại đạo, đệ tử của ngoại đạo đến yết kiến. Trong khi ấy này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng về viễn ly, sống độc cư hoan hỉ trong dục lạc làm cho đoạn tận tất cả các pháp dựa trên các lậu hoặc, an trú nói lên tại chỗ ấy những lời thuần túy liên hệ đến khích lệ”.
Rút ra từ kinh nghiệm tu hành của đoạn kinh này các bạn thấy khi an trú trong giới hạnh độc cư, phòng hộ sáu căn thì không được nói chuyện tiếp duyên với bất cứ một ai, không tác ý một tướng nào cả thì mới được gọi là an trú bất động tâm (nội không) đoạn kinh dạy rất rõ: “Khi Như Lai an trú trong an trú này nếu có Tỳ kheo tăng, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo đệ tử của ngoại đạo đến yết kiến. Trong khi ấy Như Lai với tâm hướng đến viễn ly… làm cho đoạn tận tất cả các pháp dựa trên các lậu hoặc”.
Có sống với hạnh độc cư như vậy các bạn mới an trú được tâm bất động (nội không), mới đạt được chỗ ly dục ly ác pháp hoàn toàn, mới viễn ly trọn vẹn các ác pháp đang tác động trong giai đoạn tu tập thứ nhất, thứ nhì và mới sung mãn được Tứ Niệm Xứ.
Các bạn nên nhớ những lời Phật dạy ở trên để viễn ly tất cả các ác pháp và các dục. Muốn viễn ly tất cả các ác pháp và các dục mà không nhờ hạnh độc cư thì các bạn rất khó mà viễn ly nổi.
_________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét