LỜI PHẬT DẠY
“Này Ananda, nếu chúng Tăng muốn sau khi ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”.
(Trường Bộ Kinh tập I trang 663,
kinh Đại Bát Niết Bàn) |
CHÚ GIẢI:
Nếu một người tu sĩ chạy theo dục lạc thế gian gặp đoạn kinh này như mèo gặp mỡ, như chuột sa hũ gạo, mặc sức tung hoành phá giới, bẻ vụn giới. Vì thế sau khi Phật nhập diệt một thời gian, ở bản xứ Ấn Độ cũng đã chia ra 2 lối tu tập, một bên phòng hộ tự lực để ly dục, một bên phóng dật tha cầu. Nên có quan điểm bất đồng rồi chia thành 2 bộ phái:
Thượng Tọa Bộ gồm những bậc Trưởng Thượng y chỉ nguyên gốc Giới Kinh, Giới hạnh, Giới hành Phật dạy để tự lực tu tập và phát triển rất chậm về phương nam lan truyền qua hướng Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam-Bu-Chia và phía nam Việt Nam mà các học giả thường gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy (hay phái Tiểu thừa Nam tông). Kinh sách lấy Đại Tạng Nikaya làm gốc, trong chùa chỉ thờ duy nhất một đức Phật Thích Ca, có nơi thêm vài đệ tử của Phật Như Ngài Ca Diếp, Ngài xá lợi Phất.
Còn Đại Chúng Bộ phần lớn gồm những bậc Tân Tăng học giả Tưởng giải Tha lực, họ theo khuynh hướng tư tưởng phục hưng Ve Đà (bà La Môn) phát triển rộng về phương bắc hơn 10 hệ phái qua các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam dưới nhiều dạng phật giáo khác nhau được gọi là Phật giáo Đại thừa (hay Phật Giáo Bắc Tông), bao gồm hơn 10 tông phái như: Thiền Tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Luật tông, Duy Thức tông, Pháp Hoa tông, Hoa Nghiêm tông, Liên Tông (ở Nhật) v.v.. Riêng Thiền Tông Trung Hoa cũng đã phát triển thành nhiều Tông môn nữa.
Đại thừa Bắc tông đi đến xứ nào thì thích nghi với phong tục tập quán của xứ đó, nên giáo lý thì như một chiếc áo bá nạp đủ thứ tín ngưỡng, họ đi đến xứ nào thì kinh sách phát triển để thích nghi với tín ngưỡng ở bản địa xứ đó, cứ đặt thêm một bộ kinh là tưởng thêm một vị Phật nữa ra đời hoặc một vị Bồ Tát nữa để đưa vào chùa thờ! Vì thế, nghi thức thờ phượng trong chùa thì cũng trăm thứ như: Tượng Di Dà, Dược Sư, Di Lặc, Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Thánh, Thập Điện Diêm Vương, Tề Thiên Đại Thánh, Hộ Pháp Già Lam, Thần thiện, Thần ác, Lê Sơn Thánh Mâu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ba, Chúa Xứ v.v… Có nơi đưa cả những con vật như Cọp, Ngựa vào chùa thờ nữa. Nói chung là họ thờ Đa Thần Giáo, họ đi đến địa phương nào là liền thích nghi lấy lòng vị Thần bổn xứ và người dân nơi đó tín ngưỡng liền đưa vào chùa để thờ. Họ biên soạn ra những Kinh sách tưởng giải nương vào tha lực (mang nặng tư tưởng đa thần của 62 trường phái Bà La Môn mà thời đức Phật đã dẹp bỏ, nay có cơ hội phục sinh) lồng vào kinh sách Phật để phá giới và diệt giới luật Phật. Cho nên, tu sĩ thời nay lợi dụng câu kinh họ lồng vào như thế này: “Nếu chúng Tăngmuốn sau khi ta diệt độ có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết”, do đó họ xem thường giới luật Phật. Toàn bộ các sư Thầy theo Phật giáo phát triển đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, xem thường giới luật như trong đời tu hành của họ chẳng bao giờ có giới luật. Họ chỉ dùng những lời nói mang đầy tính dục lạc thế gian “Ăn được, ngủ được là Tiên” hoặc dùng những câu nói của các Thiền Sư đầy sự xảo trá, lừa đảo: “Tự tại vô ngại, đói ăn, khát uống, mệt đi ngủ”.Đối với Phật giáo Nguyên Thủy những hành động sống như vậy gọi là phi Phạm hạnh. Một người tu sĩ mà sống phi Phạm hạnh là không còn giá trị của người tu sĩ. Người tu sĩ như vậy không đủ đức hạnh làm thiện hữu tri thức cho người khác, không đủ khả năng làm Thầy Trời, Người.
Các bạn hãy đọc kinh Ước Nguyện trong kinh Trung Bộ tập I (Văn Hoá Phật Giáo Truyền Thống Tập 2, NXB Tôn Giáo ấn hành) có 17 điều lợi ích rất lớn của giới Luật. Vả lại giới luật là đức hạnh của con người, đức hạnh sao lại có đức hạnh lớn, đức hạnh nhỏ. Đức hạnh là thiện pháp, đức hạnh sẽ mang lại cho con người một cuộc sống an vui và hạnh phúc. Vậy làm sao lại có đức hạnh lớn, đức hạnh nhỏ xin các bạn xét duyệt lại lời dạy trên đây có phải Phật thuyết hay không?
Khi một người nào muốn theo Phật xuất gia tu hành đều phải sống biệt trú 4 tháng để thử thách đời sống giới luật, nếu thấy sống được thì Phật chấp nhận cho xuất gia, còn thấy sống không được thì trở về đời bình thường. Giới luật tinh nghiêm như vậy, tại sao lại có chuyện bỏ các giới nhỏ nhặt? Ai chủ mưu bỏ những giới nhỏ nhặt này?
Vả lại trong kinh đức Phật từng nhắc nhở chúng ta: “Này các Tỳ kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.
(Kinh Trung Bộ tập I trang 79, kinh Ước Nguyện).
Kính thưa các bạn! Trong kinh Trung Bộ dạy: “Thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt”, còn kinh Trường Bộ dạy: “Có thể hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt”. Hai câu kinh này chúng ta tin kinh nào? Xin các bạn chỉ cho.
Đức Phật dạy: “GIỚI, ĐỊNH, TUỆ”, có nghĩa là tu tập từ giới đến định, từ định đến tuệ. Vậy thì giới luật chưa tu học mà đòi bỏ những giới nhỏ nhặt thì như vậy có đúng không?
Chúng ta xét lại hai câu kinh trên. Như vậy lời dạy của đức Phật có mâu thuẫn nhau. Phải không các bạn?
Theo chúng tôi biết chắc đức Phật không nói hai lưỡi, không bao giờ dạy mâu thuẫn như vậy, mà chính những vị học giả tưởng giải phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mới soạn viết ra câu này khi kết tập xen vào gán cho Phật thuyết để lừa đảo người sau. Chúng ta hãy giữ gìn giới bổn Ba La Mộc Xa Đề và giới kinh như: Kinh Phạm Võng, kinh Sa Môn Quả và nhưng kinh Giáo Giới La Hầu La, Giáo Giới Ananda, Giáo Giới Ca Chiên Diên v.v..
Nói chung tất cả kinh Phật đều là giới Luật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng đều là giới luật cả.
Giới luật là thiện pháp, cho nên khi chúng ta mới bước chân vào Phật giáo thì chúng ta được tu tập Tứ Chánh Cần. Đó là pháp ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Thưa các bạn! Pháp dạy tu tập như vậy không phải là giới luật sao?
Giới luật là đức hạnh nên đạo Phật xây dựng mình trên nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Cho nên Phật dạy: “Này các Tỳ kheo hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt chơn chánh lãnh thọ và tu tập các học giới”.
Những câu kinh dạy: “Hủy bỏ những học giới nhỏ nhặt” là sai không đúng lời Phật dạy, đó là những thủ đoạn gian xảo lừa đảo của các học giả tưởng giải mang hình sắc tu sĩ Phật giáo.
Thưa các bạn! Trong kinh sách Nguyên Thủy có rất nhiều những đoạn kinh do các Tổ Bà La Môn viết xen vào để đánh lạc hướng những người tín đồ Phật giáo, khiến cho họ khó truy tìm giáo pháp chân chánh của đức Phật.
Do hủy bỏ các giới nhỏ nhặt mà tu sĩ Phật giáo ngày nay sống theo danh lợi thế gian nên sự tu hành của các Sư Thầy hiện giờ có ra gì. Chỉ là tu danh, tu lợi, tu chùa to Phật lớn, tu tiền tu bạc.
Tóm lại bài giảng này, các bạn nên lưu ý: đừng lấy câu kinh này làm bức màn để che chắn rồi mặc tình phá giới mà không còn sợ ai dám chê nói một lời nào. Các bạn lầm, tu hành là đem lại lợi ích cho các bạn, chứ không lợi ích cho Phật, cho người khác, các bạn hiểu chưa? Tu hành mà dối trá thì tu hành để làm gì, thà ở ngoài đời dối trá còn tốt hơn mang hình lốt tôn giáo.
Kính thưa các bạn! Khi các bạn đã bỏ hết cuộc đời vào chùa tu hành mà các bạn còn tiếc gì phải thích nghi để sống theo danh lợi, dục lạc thế gian, qua hình thức tôn giáo, để rồi khi chết các bạn cũng có mang theo một vật gì đâu, chỉ còn nắm tro tàn hôi tanh.
Giới luật là đức hạnh của các bạn. Nếu các bạn tu hành nghiêm chỉnh giới luật thì nó sẽ mang đến nhiều điều lợi lạc cho các bạn. Đến khi chết các bạn cũng được an vui hạnh phúc. Và tiếp tục vào Niết Bàn không còn tái sanh nữa.
_________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét