Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

CHỨNG ĐẠT CHÂN LÍ

LỜI PHẬT DẠY
“Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama là chứng đạt chân lí, cho đến như vậy chân lí được chứng đạt, và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lí. Nhưng trong sự chứng đạt chân lí. Thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lí, pháp nào được hành trì nhiều?”.
(Kinh Trung Bộ tập II trang 732,
kinh Canki)

CHÚ GIẢI:
Muốn chứng đạt chân lí tức là muốn tâm thanh tịnh không còn một chút tham pháp, sân pháp, si pháp thì phải theo lời Phật dạy trong kinh Canki này mà thực hành thì mới có kết quả như ý nguyện.
Sau khi được đức Phật giảng trạch cho chúng ta biết: Cho đến như thế nào là hộ trì chân lí; cho đến như thế nào chân lí được hộ trì; cho đến như thế nào giác ngộ được chân lí; cho đến như thế nào chân lí được giác ngộ. Khi thông suốt những lời dạy này Bà La Môn Bharadvaja mới hỏi Phật: cho đến như thế nào chứng đạt được chân lí, cho đến như thế nào chân lí được chứng đạt. Muốn chứng đạt chân lí pháp nào hành trì nhiều.
Đọc bài kinh Canki này ta thấy một giá trị thực hành rất cao. Đức Phật dạy rất rõ ràng và tỉ mỉ, khi đọc bài pháp này chúng ta sẽ không lầm lạc tà pháp của ngoại đạo Đại Thừa nữa.
Bởi vì loài người chỉ có một chân lí chứ không bao giờ có hai ba chân lí. Một chân lí chia làm 4 nhánh gọi là Tứ Diệu Đế.
Tứ Diệu Đế là 4 nhánh chân lí của đạo Phật để xác định một kiếp người.
Nhánh chân lí thứ nhất là “KHỔ ĐẾ”. Khổ đế tức là tâm tham, sân, si.
Nhánh chân lí thứ hai là “TẬP ĐẾ”. Tập đế tức là tâm tham ái.
 Nhánh chân lí thứ ba là “DIỆT ĐẾ”. Diệt đế là trong tâm hết tham ái.
Nhánh chân lí thứ tư là “ĐẠO ĐẾ”.  Muốn hết tham ái (tham, sân, si,) thì phải có một chương trình đào tạo giáo dục đó là “ĐẠO ĐẾ”. Đạo đế còn gọi là Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo tức là 8 lớp học được chia ra trong 3 cấp GIỚI, ĐỊNH, TUỆ:
Người nào giác ngộ chân lí là phải giác ngộ “TỨ DIỆU ĐẾ”Giác ngộ Tứ Diệu Đế mới được gọi là giác ngộ chân lí.
Còn chưa giác ngộ chân lí, mới hộ trì chân lí, và chân lí được hộ trì thì coi chừng phải cẩn thận để không rơi vào tà giáo của ngoại đạo, như trong kinh Canki đức Phật đã dạy: Người hộ trì chân lí và chân lí được họ hộ trì là người mới đặt lòng tin nhưng lòng tin ấy dễ bị mù quáng vì họ chưa giác ngộ được chân lí. Chưa giác ngộ được chân lí mà bảo đây là chân pháp, còn tất cả đều là sai pháp thì quá nông nổi.
Người giác ngộ được chân lí là để tu tập cho mình, chứ không phải giác ngộ được chân lí rồi đem ra bài bác giáo pháp của người khác: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Tu tập chừng nào chứng đạt được chân lí, khi chứng đạt được chân lí mới dám bảo: “Đây là chân pháp, còn tất cả đều là sai lầm”. Đó là lời khuyên của đức Phật, cho nên người mới giác ngộ chân lí cũng không được nói: “Đây là chánh pháp, còn tất cả đều sai lầm” như trên đã dạy.
Tại sao chúng tôi nhắc nhở câu này rất nhiều? Vì ở đời có nhiều người tu hành chẳng ra tới đâu, lợi dụng kiến thức học hỏi, cấp bằng, chỉ dùng ba tấc lưỡi chê người này, mạ nhục, mạt sát người khác. Nhưng không nhìn lại mình là con số không?
Đọc kinh sách Nguyên Thủy, đức Phật dạy chúng ta rất cẩn thận và kỹ lưỡng, từng li, từng chút, thế mà chúng ta không lưu ý, không chịu hiểu cho rõ ràng những lời Phật dạy, vội cho rằng Phật dạy: “Không được nói tôn giáo mình đúng, tôn giáo khác sai, pháp môn mình đúng pháp môn người khác sai”.
Trong kinh sách Phật thường dạy người mới tu: “thấy lỗi mình không được thấy lỗi người”. Còn người tu chứng đạt chân lí thấy cái sai của các tôn giáo khác, đang lừa đảo lường gạt mọi người mà không dám nói là người hèn nhát, là xu nịnh v.v..
Cho nên, muốn nói một điều gì tốt thì mình hãy xem mình có làm điều tốt được chưa? Nếu mình làm chưa tốt được mà nói ra, đó là mình làm trò cười cho mọi người. Mình như đống rác bẩn mà nói kẻ khác bẩn là tự mình đưa mình xuống vực thẳm. Thường người nói xấu để hạ kẻ khác là có ý tỏ ra nâng cao mình là người tốt. Nhưng không ngờ mình nói xấu kẻ khác, người hiểu biết, có đạo đức nhân bản sẽ đánh giá ngược lại kẻ nói xấu người khác là người xấu.
Vì thế, đức Phật thường dạy: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”, kẻ nói xấu người khác là kẻ xấu ác. Người xấu ác là người không tốt, chúng ta không nên tin tưởng, thân cận và gần gũi những người nói xấu người khác.
Khi đọc kinh sách Phật, các bạn đừng đọc một bài kinh mà hãy đọc toàn bộ tạng kinh thì các bạn mới hiểu được ý Phật, nếu chỉ đọc một hai bài kinh hay một đoạn kinh thì chắc chắn các bạn không hiểu ý Phật. Nhất là các bạn chưa tu chứng đạo thì sự hiểu biết kinh sách của Phật hoàn toàn không đúng nghĩa. Đối với kinh sách Phật, người tu chứng đạo mới giảng giải nỗi nghĩa lý thâm sâu của nó như Phật đã dạy: “Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu khó thấy, khó chứng tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lí suông, tế nhị được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng tham, lòng sân, lòng si khéo thuyết giảng được?”. Như trong bài kinh này dạy: Nếu tâm tham, sân, si còn đủ thì làm sao các bạn hiểu được kinh sách Phật. Không hiểu mà cắt nghĩa một đoạn kinh đưa ra vội vàng lên án người khác sai bằng những lời Phật dạy như thế này, như thế khác, để mạ lị mạt sát người khác khi mình còn cả một trời tham, sân, si. Những hành động như vậy các bạn có biết không? Đó chính là các bạn đã phỉ báng Phật pháp. Hiểu thì phải hiểu cho tận nguồn gốc, còn không hiểu thì thôi, chứ đừng đọc ba bốn bài kinh mà xem mình là hiểu kinh sách Phật thì các bạn quá nông nổi.
Khi đọc kinh sách Phật phải đọc toàn bộ những lời Phật dạy như trên đã nói, đừng đọc một hai bài kinh mà vội cho Phật dạy như thế này, như thế khác, và như vậy chứng tỏ các bạn không bao giờ hiểu kinh sách. Cho nên, các nhà học giả không tu chứng chân lí mà thuyết giảng kinh sách Phật thì sự thuyết giảng ấy sai lệch nghĩa lí cách xa ngàn dặm khiến cho Phật giáo suy đồi, chánh pháp của Phật bị dìm mất, chính là những nhà học giả không tu hành, chưa chứng đạo, nên Phật giáo mới ra nông nỗi như ngày hôm nay. Từ khi có kinh sách Phật giáo Đại Thừa thì chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả đã bị đánh mất, Bát Chánh Đạo không còn là 8 lớp học của Phật giáo nữa mà đã biến tám lớp học của Phật giáo (Bát Chánh Đạo) thành một bài pháp Bát Chánh Đạo. Thật là sai lầm! Xét qua những kiến giải của các Thầy Tổ Đại Thừa, họ đều là những người dò dẫm theo lối mòn tưởng giải của nhau, giống như một chuỗi người mù, người đầu không thấy, người giữa cũng không thấy và người cuối cũng không thấy mà cứ bảo nhau: “Đây là chánh pháp, còn tất cả đều sai lầm”. Rồi xúm nhau hộ trì và bảo vệ những chân lí ảo tưởng ấy. Thật là tội nghiệp, nhưng hễ ai đụng chạm đến kinh sách Đại Thừa thì sân hận dữ tợn, dùng mọi phương tiện thủ đoạn để hạ kẻ đó cho bằng được.
Theo như lời đức Phật dạy: muốn chứng đạt chân lí thì phải siêng năng tu tập, không siêng năng tu tập thì không thể chứng đạt chân lí. Đó là một điều chắc chắn, giác ngộ chân lí chỉ là mới hiểu rõ chân lí, chứ chưa thâm nhập vào chân lí. Chưa thâm nhập vào chân lí thì cũng giống như một người đứng nhìn cái bánh, chứ chưa ăn thì làm sao biết được bánh ngon, dở, ngọt, bùi, mặn, lạt, cay, đắng v.v..
Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Trong sự chứng đạt chân lí, này Bharaduja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần chân lí thì không thể chứng đạt chân lí. Do vậy trong sự chứng đạt chân lí, tinh cần được hành trì nhiều”.
Kính thưa các bạn! Khi chúng ta giác ngộ được chân lí mà không siêng tu tập thì cũng như con chim học nói tiếng người chẳng có ích lợi gì các bạn ạ?
Phần đông người ta chưa giác ngộ chân lí. Chỉ nghe người khác nói chân lí một cách mơ hồ, không rõ ràng, không cụ thể, chỉ lí luận suông: “Đây là chân lí còn tất cả cái khác đều sai lầm”. Rồi cứ theo đó mà hộ trì chân lí, bảo vệ chân lí, nhưng không ngờ lòng tin ấy thiếu căn cứ vững chắc nên trở thành lòng tin mù quáng và sự siêng năng tu tập trở thành phí công vô ích.
Bởi vậy, loài người chỉ có bốn chân lí, ngoài ra không còn có một chân lý nào khác nữa. Bốn chân lí ấy gọi là “TỨ DIỆU ĐẾ”. Chúng tôi xin nhắc lại để các bạn nhớ: Bốn chân lí này do một con người như bao nhiêu con người đã tu hành làm chủ sanh tử luân hồi. Lần đầu tiên, Người đã dạy cho loài người biết rõ bốn chân lí này. Đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
1- KHỔ ĐẾ  là chân lí thứ nhất, tức là tâm tham, sân, si. Tâm tham, sân, si là con người ai mà không có. Do tâm tham, sân, si mà con người đau khổ. Người giác ngộ được tâm tham, sân, si là khổ đau, đó là người giác ngộ được chân lí thứ nhất.
2- TẬP ĐẾ  là chân lí thứ hai tức là nguyên nhân sinh ra tâm tham, sân, si, đó là ÁI DỤC, ái dục tức là lòng ham muốn. Làm con người ai mà không có lòng ham muốn. Do tâm tham muốn mà sinh ra tâm tham, sân, si nên phải chịu nhiều khổ đau. Người giác ngộ được lòng ham muốn là khổ đau, là người giác ngộ chân lí thứ hai.
3- DIỆT ĐẾ là chân lí thứ ba. Chân lí thứ ba là một trạng thái tâm không còn tham, sân, si, tức là trạng thái bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ. Chính là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Người giác ngộ được trạng thái tâm này là người giác ngộ chân lí thứ ba.
4- ĐẠO ĐẾ là chân lí thứ tư. Chân lí thứ tư là chương trình giáo dục đào tạo những bậc tâm vô lậu (A La Hán), có tám lớp học và ba cấp. Người giác ngộ được chương trình giáo dục đào tạo những bậc tâm vô lậu (A La Hán), có tám lớp học và ba cấp là người giác ngộ được chân lí thứ tư.
Khi giác ngộ được bốn chân lí thì phải siêng năng tu tập, muốn siêng năng tu tập thì phải cân nhắc kỹ lưỡng những lời đức Phật đã dạy: “Trong sự tinh cần, này Bharadvaya sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần chân lí. Nếu có cân nhắc sẽ có tinh cần, do vậy trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều”.
Danh từ cân nhắc còn có nghĩa là xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng từng tâm niệm của mình. Cho nên, khi siêng năng tu tập thì phải tu tập kỹ lưỡng, tu cho có chất lượng, chứ không phải tu chơi. Luôn luôn phải để ý xem kết quả trong sự tu tập có đạt được chất lượng tốt hay không? Càng tu tập kỹ lưỡng tức là càng cân nhắc từ hành động tỉnh giác tu tập để ngăn và diệt ác pháp và các dục, thì cần phải phân biệt thấy rõ Chánh niệm hay Tà niệm sinh khởi. Cho nên kinh dạy: trong sự siêng năng tu tập thì cân nhắc được hành trì nhiều, có nghĩa là cùng siêng năng tu tập thì sự tu tập kỹ lưỡng phải kỹ lưỡng nhiều hơn. Càng tu tập kỹ lưỡng nhiều là siêng năng nhiều. Đến đây các bạn đã hiểu câu này rồi chứ? Tu tập kỹ lưỡng là siêng năng, nhưng siêng năng hộ trì không đúng chân lí, là phí công, tổn sức và như vậy là lòng tin mù quáng. Lòng tin mù quáng mà tu tập thì không được gọi là chân lí được hộ trì.
Con người ngày nay đang bị những tôn giáo lừa gạt, tin một cách mù quáng không biết đó có thật hay không thật, cứ cúi đầu đảnh lễ tôn trọng cung kính một đấng thần Thánh siêu hình mà không căn cứ vào sự thật cụ thể rõ ràng, có khi còn dám hy sinh cả thân mạng vì tôn giáo của mình, tức là hộ trì chân lí một cách vô lí. Lời đức Phật dạy muốn siêng năng tu tập một pháp môn nào thì phải cân nhắc kỹ lưỡng về chân lí của mình đang theo, xem có đúng như thật hay không, hay nó chỉ là một chân lí ảo tưởng. Nếu chân lí đúng như thật là KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO, ngoài Khổ, Tập, Diệt, Đạo ra thì không được gọi là chân lý.
Vậy chúng ta hãy nghe đức Phật dạy tiếp: “Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc pháp môn nào được hành trì nhiều?”.
“ – Trong sự cân nhắc, này Bharadvaya cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không có cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc, do vậy trong sự cân nhắc thì cố gắng được hành trì nhiều”.
Các bạn có nghe đức Phật dạy không? “Trong sự cân nhắc thì sự cố gắng được hành trì nhiều”. Nếu tu tập kỹ lưỡng mà không cố gắng thì làm sao tu tập kỹ lưỡng được, phải không các bạn?
Bây giờ, chúng tôi xin nhắc lại các bạn một lần nữa và các bạn cũng nên lưu ý kỹ. Nếu không giác ngộ chân lí mà tu tập là tu mù, tu theo kiểu Đại Thừa và Thiền Tông.
Cho nên, trước khi tu tập là phải giác ngộ chân lí của loài người. Muốn giác ngộ chân lí của loài người là phải tìm một vị Thầy tâm không còn tham pháp, sân pháp, si pháp để thân cận. Khi thân cận gần vị Thầy ấy ta mới giác ngộ được chân lí khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Khi giác ngộ được bốn chân lí các bạn phải siêng năng tu tập, nhưng siêng năng phải đúng cách (Chánh tinh tấn) còn siêng năng không đúng cách (Tà tinh tấn) là tu tập lấy có, tu tập không kỹ lưỡng, tu tập không cân nhắc từng hành động, từng hơi thở, từng tâm niệm, từng ác pháp, từng hoàn cảnh v.v.. Tu tập như vậy thì không bao giờ có kết quả; tu tập như vậy rất phí công, uổng sức. Xin các bạn hiểu cho.
Nếu cân nhắc kỹ lưỡng từng hành động thân, miệng và ý của mình mà không có cố gắng thì làm sao cân nhắc kỹ lưỡng được. Phải không các bạn? Cho nên Phật dạy: “Do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều”.
Trong sự tu tập các bạn nên theo từng thứ tự phương pháp và từng mỗi hành động mà đức Phật đã dạy ở đây, thì sự tu tập của các bạn mới không uổng công, mới có kết quả tốt đẹp.
Bấy giờ chúng ta nghe tiếp Phật dạy: “Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?”
“ – Trong sự cố gắng, này Bharadvaja, ước muốn được hành trì nhiều, nếu ước muốn đối với chân lí ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên cố gắng; do vậy trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều”.
Như vậy, khi chúng ta giác ngộ được chân lí, biết rõ đời sống của con người chỉ là một chuỗi dài khổ đau, vì thế sự ước muốn thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người, càng nung nấu trong lòng càng lớn, càng nhiều thì sự cố gắng càng nhiệt tâm, nhiệt tình hơn, càng cố gắng hơn nhiều thì sự tu tập lại cân nhắc kỹ lưỡng nhiều hơn. Nhờ đó mà kết quả càng ngày lại thấy rõ ràng hơn. Tham pháp, sân pháp, si pháp bị muội lược một cách cụ thể.
Cho nên, ước muốn ra khỏi nhà sanh tử, làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người là một ước muốn chân chánh, chứ không phải ước muốn chạy theo dục lạc thế gian ăn ngủ phi thời, sống theo thế tục chùa to Phật lớn. Vì muốn giải thoát nên sự ước muốn buông xả các ác pháp và các dục, đó là sự ước muốn chân chánh.
Ước muốn chấm dứt luân hồi, làm chủ sanh, già, bệnh, chết mà không vui mừng hoan hỉ sao? Mà không chấp nhận pháp tu hành đó sao? Đó là những ước muốn chân chánh, nhờ có những ước muốn này mà chúng ta mới siêng năng tu tập và cân nhắc kỹ lưỡng được. Các bạn thấy có đúng như vậy không?
Trong cuộc đời tu hành của chúng ta không ai mà không có ước muốn mong cầu ra khỏi nhà sanh tử, làm chủ mọi sự đau khổ của kiếp người. Đi từ tôn giáo này, đến tôn giáo khác, tu từ pháp môn này đến pháp môn khác, mà kết quả trong mơ hồ, ảo tưởng, không có chút nào thực tế, do đó nỗi đau đớn của người quyết tâm tu hành tìm cầu sự giải thoát thì đau khổ biết dường nào. Nhưng khi nhận ra được pháp tu tập trực tiếp làm chủ sanh, già, bệnh, chết, và chấm dứt luân hồi thì nỗi vui mừng không sao kể hết được. Cho nên ở đây Phật dạy: “Trong ước muốn, hoan hỉ chấp nhận pháp được hành trì nhiều”.
Trong cuộc đời tu hành, chúng ta chấp nhận xả bỏ của cải, tài sản, vật chất, nhà cửa, vợ con, anh em, chị em, cha mẹ và tất cả những người thân quyến thuộc v.v.. chỉ còn lại một đời sống không nhà cửa, không gia đình, ngày đi xin ăn với ba y, một bát. Do ước muốn tinh cần buông xả như vậy, nên cuộc sống giải thoát càng thấy rõ rệt. Bấy giờ sức làm chủ thân tâm càng lúc càng hiệu quả hơn.
Bấy giờ chúng ta nghe tiếp đức Phật dạy: “Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama trong sự ước muốn pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Bharadvaja, trong sự uớc muốn hoan hỉ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỉ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỉ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên, do vậy trong ước muốn hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều”.
Ước muốn ra khỏi nhà sanh tử, nên phải chịu khó ôm pháp tu hành với tâm thích thú hoan hỉ. Do thích thú hoan hỷ mới chấp nhận pháp từ đó mới chịu khó tu tập, cố gắng xả từng niệm ác, từng chướng ngại trong thân tâm của mình. Xả các ác pháp và những chướng ngại trong thân tâm của mình đâu phải là một việc dễ làm. Nói được còn việc buông xả không phải một ngày một bữa mà thành tựu được.
Những điều Phật đã dạy trên đây là cả một kinh nghiệm tu hành của đức Phật trong suốt đời sống tu hành của Ngài rất thực tế và cụ thể. Khi đọc đến những đoạn kinh này, người nào có thực hành mới thấy đây là những lời tâm huyết của đức Phật đang trải dài trên những trang giấy bằng máu và nước mắt tu hành của mình để thành Chánh giác.
Trong ước muốn nếu không có lòng hoan hỉ chấp nhận pháp thì làm sao có ước muốn được. Phải không các bạn? Lòng vui mừng chấp nhận pháp là vì phải hiểu rõ giá trị pháp thì sự ước muốn mới càng mãnh liệt hơn.
Bấy giờ chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỉ chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều?
“ – Này Bharadvaja, trong sự hoan hỉ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỉ chấp nhận pháp, và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp, do vậy trong sự hoan hỉ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều”.
Người muốn tu theo Phật giáo không được tin mù quáng như tín đồ các tôn giáo khác, chỉ tin vào giáo điều mặc khải của một đấng thiêng liêng vô hình, truyền qua như kẻ lên đồng nhập xác hoặc là cơ bút tin theo những lối truyền dạy như vậy là mù quáng, tin mà không căn cứ vào chỗ nào vững chắc, không thực tế, không rõ ràng, lòng tin như vậy dễ bị những người khác lợi dụng tôn giáo lừa đảo làm tiền, làm danh và còn lợi dụng sắc dục nữa.
Đối với đức Phật, Ngài dạy rất kỹ lưỡng, trước khi chấp nhận tin vào một pháp nào thì phải tìm hiểu ý nghĩa của pháp môn đó. Khi tìm hiểu ý nghĩa của pháp đó xong, thì chúng ta mới thông suốt chân lí của pháp đó. Thông suốt chân lí của pháp đó tức là chúng ta giác ngộ chân lí như trong kinh Canki đã dạy: “Vậy trong những hoan hỉ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều”.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều”.
“ – Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì nhiều. Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa, do vậy trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều”.
Kính thưa các bạn! Thọ trì pháp nghĩa là gì? Thọ trì pháp nghĩa là tu tập thực hành theo đúng pháp đã dạy; bởi vì muốn tu tập thực hành pháp mà không có tìm hiểu ý nghĩa của pháp thì làm sao thực hành pháp được. Phải không các bạn?
Vì thế, ở đây đức Phật đã dạy tìm hiểu ý nghĩa của pháp là phải song hành với sự tu tập hành trì, nhờ có tu tập hành trì thì sự tìm hiểu ý nghĩa mới thâm sâu, mới cụ thể, rõ ràng. Người chỉ tìm hiểu ý nghĩa pháp mà không có hành trì tu tập thì sự tìm hiểu ấy cạn cợt giống như các nhà học giả, nhiều khi lọt vào tưởng giải, khiến cho sự hiểu biết lệch lạc sai lầm. Do sự hiểu biết sai lầm mà biên soạn viết ra những kinh sách để lại cho đời, giết bao nhiêu thế hệ và những kinh sách ấy đã dìm mất chánh pháp của đức Phật.
Phần nhiều kinh sách Đại Thừa do thiếu sự hành trì nên tưởng giải chỗ bất động tâm KHÔNG TÁNH mà lại hiểu là TÁNH KHÔNG, CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU, PHẬT TÁNH, thật là tìm hiểu nghĩa lý một cách sai lầm quá lớn. Chính kinh sách Đại Thừa không hiểu chân lí của Phật giáo tức là không giác ngộ chân lí của Phật giáo “KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO” mà lại giác ngộ PHẬT TÁNH, CHÂN KHÔNG, TRÍ TUỆ BÁT NHàhoặc CÕI CỰC LẠC TÂY PHƯƠNG v.v.. Thật là một điều giác ngộ sai lầm, vì thế các Thầy Đại Thừa tu tập sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, tu tập nhiều loại định tưởng. Cho nên, chết trên giường bệnh, chết trong đau khổ, chỉ khéo dùng từ lừa đảo thu thần nhập diệt hoặc thị hiện một vài thần thông tưởng hoặc biết ngày giờ chết hoặc một vài hành động ảo tưởng khiến cho những người nhẹ dạ non lòng không hiểu biết về thiền tưởng nên khen rằng các Sư Thầy đã tu chứng đạo.
Bấy giờ các bạn nghe tiếp đức Phật dạy: “Trong sự thọ trì pháp, chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Bharadvaja, trong sự hành trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều nếu không nghe pháp thì không có thọ trì pháp, và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp. Do vậy, trong sự hành trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều”.
Những lời dạy trên đây các bạn có lưu ý không? Chỉ thực hành pháp mà không chịu thưa hỏi cặn kẽ thì các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn xảy ra trong khi đang tu tập. Lúc bấy giờ các bạn sẽ đến một vị Thầy đã chứng đạo, vị ấy sẽ chỉ dạy cách thức vượt qua những chướng ngại khó khăn đó.
Vì thế, muốn hành trì tu tập thì phải nghe nhiều như trong kinh đã dạy, nếu không thưa hỏi và nghe nhiều thì sự tu tập sẽ không tiến bộ. Cho nên, trong sự hành trì pháp nghe nhiều là một điều lợi ích lớn cho bước đường tu tập. Vì có nghe nhiều tu tập mới không sai pháp. Vì thế, khi bắt đầu hành trì các bạn phải thưa hỏi một vị thầy đã tu tập xong, các bạn sẽ được nghe rất nhiều kinh nghiệm bổ ích trong sự tu tập của vị Thấy ấy. Vì thế đức Phật dạy: “Trong sự thọ trì pháp, nghe nhiều được hành trì nhiều”.
Bấy giờ chúng ta lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Bharadvaja, trong sự nghe pháp, lắng tai được hành trì nhiều”.
Lời dạy này chắc chắn ai cũng hiểu, cũng biết, vì nghe pháp thì phải lắng tai nghe, nếu không lắng tai nghe thì làm sao hiểu được. Mà không hiểu được pháp thì làm sao thọ trì, cho nên lắng tai nghe có nghĩa là nghe rất kỹ, nghe không bỏ sót một nghĩa nào, một kinh nghiệm nào, nghe chăm chú.
Trước khi hành trì pháp thì phải lắng nghe rất kỹ những pháp hành, những hành động tu tập nhờ có lắng nghe kỹ nên mới không tu tập sai pháp.
Trên đây là những bước tu tập để chứng đạt chân lí, mà mọi người tu hành phải lần lượt hành trì đúng theo qui trình này. Bấy giờ chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lắng tai nghe pháp thì pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Baharadvaja, trong sự lắng tai nghe pháp, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lắng tai nghe pháp. Vì có thân cận giao thiệp nên có lắng tai nghe. Do vậy, trong sự lắng tai nghe, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều”.
Muốn lắng tai nghe pháp hành mà không thân cận giao thiệp thưa hỏi thì làm sao lắng tai nghe pháp được. Phải không các bạn?
Cho nên, sự thân cận giao thiệp với thiện hữu tri thức là điều cần thiết cho bước đường tu tập hành trì để đạt đến mục đích chân lí cứu cánh là một điều cần thiết.
Kính thưa các bạn! Trong đời tu hành của các bạn mà không có thiện hữu tri thức thân cận thì các bạn đã chịu thiệt thòi rất nhiều trên đường tu tập. Các bạn đừng nghĩ rằng cứ dựa vào kinh sách là các bạn biết cách thức tu tập. Hầu hết những danh từ trong kinh sách mà các bạn tự hiểu thì kiến giải ấy sẽ đưa các bạn vào chỗ chết, chỗ bệnh tật, điên khùng, loạn thần kinh v.v.. Nếu không chết, không bệnh tật thì các bạn tu hành chẳng tới đâu, chỉ sống trong tưởng mà thôi. Rồi đây, các bạn cũng chạy theo danh lợi giống như người thế tục nhưng với chiếc áo tôn giáo.
Cho nên, thiện hữu tri thức là người đã tu tập xong. Còn những học giả dù họ có cấp bằng tiến sĩ Phật học mà tu hành chưa đến nơi đến chốn, họ vẫn là ác tri thức, sẽ hướng dẫn các bạn vào con đường phí công phí sức, uổng phí một đời người, chỉ còn muợn sắc áo tôn giáo làm cuộc sống danh lợi, ngồi mát ăn bát vàng thì có nghĩa lý gì, là một tu sĩ Phật giáo, có đức, có hạnh, có giới luật tinh nghiêm.
Trong cuộc đời tu hành gặp được một bậc thiện hữu tri thức là khó, gặp được chánh pháp cao minh chỉ rõ chân lí của loài người cũng không phải dễ. Cho nên, kinh Pháp Cú dạy:
“Hạnh phúc thay đức Phật ra đời!”
“Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh!”
Sanh đồng thời với một người tu chứng chân lí đâu phải dễ và gặp được họ là một hạnh phúc vô cùng to lớn. Phải không các bạn? Do vậy đức Phật dạy: “Trong sự lắng tai nghe, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều”.
Bấy giờ chúng ta hãy nghe đức Phật dạy tiếp: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự thân cận giao thiệp, pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Bharadvaja, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có sự đi đến gần nên có thân cận giao thiệp”. Cũng như quý Phật tử ở tận miền Bắc xa xôi hay có người còn ở xa hơn nữa, ở tận bên Mỹ, bên Úc, bên Đức, bên Pháp, ... vậy mà họ phải về Việt Nam lên tận tỉnh Tây Ninh để tìm Thầy thưa hỏi pháp tu hành. Đó là sự đi đến gần.
Kính thưa các bạn! Lời đức Phật dạy không sai: “Trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều”.
Bởi vậy những lời Phật dạy rất cụ thể, thiết thực, không có bày vẽ những điều mơ hồ trừu tượng như kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông. Chính đức Phật là người đã dạy cho con người bốn chân lí lần đầu tiên trên thế gian này, chưa bao giờ có một tôn giáo nào có bốn chân lí này. Bài kinh ấy khéo nhắc nhở chúng ta phải đặt trọn lòng tin nơi chân lí của loài người, ngoài chân lí này ra thì không còn có một chân lí nào khác nữa. Nhưng nếu nói được lời này, thì phải chứng đạt chân lí này. Khi chứng đạt được những chân lí này thì mới dám tuyên bố: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm”.
Chúng ta hãy nghe tiếp đức Phật dạy: “Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi gần, pháp nào được hành trì nhiều?”.
“ – Này Bharadvaja, trong sự đi gần lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sinh thì không đi đến gần. Và vì lòng tin sinh nên có đi đến gần; do vậy trong sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều”.
Đọc đến lời dạy cuối cùng này, chúng ta thấy lời dạy của đức Phật rất cân nhắc kỹ lưỡng tuyệt vời, chứ không phải như quý Phật tử thời nay, cứ nghe ai nói gì thì tin ngay liền, chỉ cần gắn nhãn hiệu Phật thuyết là tin, nhưng ngoài nhãn hiệu Phật thuyết trong ấy toàn là thứ đồ giả mạo.
Kính thưa các bạn! Lòng tin như thế nào là tin đúng (chánh tín)? Lòng tin như thế nào là tin sai (tà tín)?
Ở đây chúng ta nghe đức Phật đã dạy rõ ràng: Phải tìm một vị Thầy, tâm không còn tham pháp, sân pháp, si pháp, tức là giới luật phải nghiêm chỉnh, tâm phải bất động trước các pháp và các cảm thọ. Đời sống phải ba y một bát, thiểu dục tri túc, sống không nhà cửa, không gia đình v.v..
Những lời dạy trong kinh này đem ra làm tiêu chuẩn xét duyệt lại các tu sĩ Phật giáo hiện nay thì họ chưa đủ tiêu chuẩn cho quý phật tử tin tưởng là vị thiện hữu tri thức của mình. Họ không phải là người hướng dẫn các bạn đi trên con đường tu tập giải thoát; họ chỉ được lời nói trên ngôn ngữ, còn sự sống hằng ngày và hành động đạo đức đâu có khác gì người thế tục, cũng chùa to, Phật lớn, cũng ăn uống ngủ nghỉ phi thời v.v.. Những hành động sống này cũng đủ tố cáo họ, tâm còn đầy rẫy tham pháp, sân pháp và si pháp, nghi pháp, mạn pháp.
Đối với những vị Thầy tâm còn như vậy làm sao quý phật tử có lòng tin nơi họ được. Nếu quý Phật tử có lòng tin nơi họ như vậy thì quí Phật tử là những người tin mù quáng không theo lời Phật dạy.
Tại sao đức Phật đã dạy rõ như vậy, mà quý Phật tử vội tin những người Thầy như vậy, họ chỉ là những học giả, giỏi chắp vá nhiều tư tưởng Đông Tây triết học, đạo học, y học và khoa học, vật lý học v.v.. còn tu hành chẳng ra gì. Lối sống của họ có gì hơn quý Phật tử ở chỗ nào? Hay họ chỉ hơn quí Phật tử là chỗ học tập, nghiên cứu kinh tạng. Do chỗ học tập, nghiên cứu kinh tạng họ chỉ nói được chứ thực hành đúng như pháp thì họ chưa làm được. Chưa làm được có xứng đáng gì cho quý Phật tử tôn kính là thầy.
Bài kinh này đã xác định cho các bạn thấy lòng tin mù quáng của các vị Bà La Môn ngày xưa, ngu si hộ trì một chân lí ảo tưởng. Vì lòng tin mù quáng hộ trì chân lí không căn cứ vào chỗ nào vững chắc, chỉ tin là tin theo những người tu tập chưa đạt được những gì giải thoát. Tin chỉ biết tin theo lời Thầy Tổ nói từ người trước đến người sau đều tu hành chưa chứng đạt chân lí chỉ hô hào lường gạt người khác: “Chỉ đây là sự thật, còn ngoài ra là sai lầm”.
Hiện giờ, kinh sách Đại Thừa cũng chủ trương như vậy, cho những lời Phật dạy là Tiểu thừa, là ngoại đạo, cấm tín đồ không được đọc và không được tu theo (giới cấm Bồ Tát). Có một số Phật tử không hiểu rõ ý Phật dạy, nên dựa vào bài kinh Canki này cho Thầy Thông Lạc chê kinh Đại Thừa sai là Thầy Thông Lạc sai. Có lẽ quý Phật tử không đọc hết bài kinh hoặc đã đọc hết mà không hiểu nghĩa, nên vội vàng chỉ trích Thầy Thông Lạc bằng câu: “Chỉ có Thầy Thông Lạc là đúng, còn ngoài ra là sai lầm”. Nếu Thầy Thông Lạc tu hành chứng đạt chân lí mà nói câu này là đúng, còn Thầy Thông Lạc tu hành chưa chứng đạt chân lí mà nói câu này là sai lầm.
Kính thưa các bạn! Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật thường dạy cho người mới tu: “Thấy lỗi mình đừng thấy lỗi người”, nhưng khi đã tu chứng đạt chân lí mà thấy cái sai của người khác không dám nói là người hèn nhát, là người xu nịnh v.v.. như trên đã nói.
Trong bài kinh này, đức Phật cũng dạy khi chúng ta là người mới hộ trì chân lí và chân lí được chúng ta hộ trì thì đừng nên nói: “Chỉ có đây là sự thật, còn ngoài ra đều là sai lầm”. Câu này ám chỉ nói về những vị Bà La Môn tin mù quáng. Còn ở đây đức Phật dạy chúng ta muốn có lòng tin thì phải xét duyệt một vị Thầy dạy đạo, giới Luật có nghiêm chỉnh không? Tức là sống có li dục li ác pháp không? Có chứng đạt được chân lí chưa? Nếu một vị Thầy sống không li dục li ác pháp, tâm chưa hết tham, sân, si thì chúng ta không nên tin lời dạy của họ. Họ là người nói láo, dù họ giảng kinh nào chúng ta cũng không nên nghe. Trừ ra họ được một vị Thầy đã chứng đạt được chân lí, hướng dẫn họ thuyết giảng theo kết quả trong khuôn khổ tu tập và được dạy những gì được nghe vị Thầy đã chứng đạt chân lí dạy.
Để tóm lại bài kinh này chúng ta lắng nghe đức Phật dạy: “Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lí. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân lí, chúng con tùy hỉ và chấp nhận, và do vậy chúng con hoan hỉ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lí. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lí, chúng con đã tùy hỉ và chấp nhận. Do vậy chúng con hoan hỉ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lí. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lí, chúng con tùy hỉ và chấp nhận do vậy chúng con hoan hỉ. Trong sự chứng đạt chân lí, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự chứng đạt chân lí Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều chúng con tùy hỉ và chấp nhận, do vậy chúng con hoan hỉ. Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ một điều gì. Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy, chúng con tùy hỉ và chấp nhận, do vậy chúng con hoan hỉ.
Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: “Và ai là những Sa Môn trọc đầu tiện nô, hắc nô, sanhtừ gót chân của Phạm thiên? Và ai là những người hiểu biết Chánh pháp. Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi lòng con ái kính Sa Môn đối với Sa Môn, lòng tin kính Sa Môn đối với Sa Môn. Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! …”.
Đoạn kinh trên đây tóm lược với ý nghĩa rất đầy đủ để chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng là một bậc thiện hữu tri thức hướng dẫn trên đường tu tập giải thoát quá tuyệt vời. Là người Phật tử phải biết chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng đừng đụng đâu tôn kính đó là không đúng. Cho nên, ở đây đức Phật đã chỉ thẳng và vạch trần bộ mặt thật của những người tu sai pháp dùng tôn giáo lừa đảo người.
Lời kết luận của cư sĩ Bà La Môn Bharadvaja đã nói lên được ý nghĩa sâu sắc về một vị Thầy đáng ái kính, đáng tin kính:“Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi lòng con ái kính Sa Môn đối với Sa Môn, lòng tin kính Sa Môn đối với Sa Môn. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! …”. Còn ngược lại với những vị Thầy nào không được ái kính và tin kính như trong đoạn kinh này đã dạy: “Và ai là những Sa Môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên?”. Đoạn kinh này đức Phật dùng những danh từ rất nặng, để chỉ cho những người tu chưa chứng chân lí mà vội ra làm Thầy dạy người tu tập: “Sa Môn Trọc Đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên”. Các Thầy Đại Thừa hiện giờ không thể còn che giấu ai được sự lừa đảo và giả dối của các Ngài về giới luật và tu tập. Nếu Phật tử nào đã đọc bài kinh này thì sẽ phát hiện rõ ràng: đâu mới là pháp chân chánh, và đâu mới là pháp sai lầm; đâu là thiện hữu và đâu không phải là thiện hữu. Đó chính là lời xác định của đức Phật, của những người đã tu chứng đạt chân lí, còn ngoài ra những người tu chưa chứng đạt chân lí thì không được nói câu này.
_________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét