LỜI PHẬT DẠY
“Này Vaccha, những ai nói như sau: “Sa Môn Gotama là bậc nhất thiết trí, là bậc nhất thiết kiến. Ngài tự cho là có tri kiến hoàn toàn: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngồi và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, lên tục”. Thì đây là nói về Ta không đúng với điều đã nói, họ đã vu khống Ta với điều không thực hư ngụy”.
(Kinh Trung Bộ tập II trang 309,
kinh Ba Minh Vacchagota) |
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này chúng ta thấy đức Phật đã xác định rất rõ ràng, Ngài phủ nhận kinh sách Đại Thừa nói những điều không đúng sự thật, nói trong ảo tưởng. Kinh sách Đại Thừa đều cho Phật là bậc nhất thiết trí, là bậc nhất thiết kiến và nhất là tánh biết, tánh thấy, tánh nghe thường hằng bất biến, (tri kiến luôn luôn tồn tại). Ở đây đức Phật cho rằng người nào nói Phật như vậy là nói không đúng, là vu khống Phật với điều không thực, hư ngụy.
Đối với đạo Phật mà nói Phật tánh, tánh thấy, tánh biết, tánh nghe là nói những điều không thực, hư ngụy, là nói không đúng chân lí, là nói chuyện trong mơ mộng không cụ thể, rõ ràng. Cho nên, hiện giờ mọi người vô minh bị lừa đảo bằng những danh từ rất kêu, Chân Không, Tánh không, Bản Lai Diện Mục Hiện Tiền, Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm, Trí Tuệ Bát Nhã Ba La Mật, Phật tánh, Tánh Thấy, Tánh Biết, Tánh Nghe v.v..
Đọc đoạn kinh Vacchagota này chúng ta xác định kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã, kinh Lăng Già Tâm Ấn, kinh Pháp Hoa v.v.. Toàn là những loại kinh tưởng của các Tổ biên soạn viết ra, chứ không phải Phật thuyết. Những kinh sách này chịu ảnh hưởng tư tưởng của giáo pháp Vệ Đà kinh. Kinh này do tưởng giải của các tổ sư Bà La Môn biên soạn viết. Vì thế, mà kinh Nguyên Thuỷ vạch ra những cái sai để chỉ cho chúng ta biết rõ sự lừa đảo của kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ.
Làm gì trong mỗi chúng sanh lại có Phật tánh. Chúng sanh được sanh ra là do các duyên hợp thành theo qui luật của nhân quả nghiệp lực thiện ác. Cho nên, đủ duyên hợp là có, mà hết duyên thì tan rã không còn có một vật gì thì làm sao có Phật tánh trong đó được. Vì vô minh mọi người sống trong ảo tưởng, sống trong ác pháp thọ nhiều đau khổ quá sợ hãi, nên nuôi hy vọng sống trong tưởng và tưởng rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Muốn cho mọi người tin theo nên dựng ra Tánh thấy, Tánh nghe, Tánh biết.
Danh từ Phật tánh đã khiến cho bao nhiêu thế hệ về sau đều sống trong ảo tưởng, ai cũng cho mình có Phật tánh. Nhưng có ai biết chúng sanh được sinh ra từ nhân quả, do các duyên hợp lại như trên đã nói thì làm sao có Phật tánh được. Phải không các bạn? Được sinh ra từ nhân quả là do vô minh. Vô minh làm sao gọi là tánh giác được? Thật ra các Tổ sư Đại Thừa tu tập sai pháp, ức chế tâm, không niệm khởi rơi vào các các định tưởng, mười tám loại tưởng xuất hiện, trong đó có pháp tưởng. Từ đó, mà tưởng ra Phật tánh còn cho Phật tánh là tánh giác. Cho nên, biên soạn ra kinh sách như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Kinh Lăng Già v.v.. Trong những kinh ấy dựng lên Phật tánh rồi gán cho Phật thuyết. Đoạn kinh Ba Minh Vacchagota này đã xác định sự mạo nhận Phật thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm, để lừa đảo Phật tử.
Cho nên Phật dạy: Đừng có tin! Đừng có tin!!! Vậy mà mọi người vẫn cứ tin, tin một cách mù quáng, thật là sai lầm. Phật thường nhắc nhở chúng ta hãy tin những gì là có lợi ích cho mình, cho người, và không làm khổ mình, khổ người thì mới tin.
Đức phật cũng thường nhắc nhở pháp môn nào có Bát Chánh Đạo mới là pháp môn chân chánh. Vậy Phật tánh, tánh thấy, tánh nghe, tánh biết làm sao là chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người được?
Kính thưa các bạn! Từ bao thế kỷ nay các Tổ đã lừa đảo với người tu chưa chứng đạo, chứ người tu chứng thì làm sao lừa đảo họ được. Bởi vì người tu chứng là người đã có Tứ Thần Túc và đầy đủ Tam Minh, cho nên thời gian nào họ cũng đều thông suốt, chuyện gì xảy ra trong tương lai và quá khứ không còn che giấu họ được, cho nên Phật dạy: “Ông phải giải thích: “Sa Môn Gotama là bậc có ba minh” thì này Vaccha, Ông mới là người nói về Thế Tôn với điều đã được nói, mới không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tuỳ pháp, và mới không có một đồng pháp hành nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách. Này Vaccha, khi nào Ta muốn, Ta sẽ nhớ đến nhiều đời quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Vaccha, nếu Ta muốn, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân Ta thấy sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh… đều do hạnh nghiệp của họ. Này Vaccha, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, Ta ngay trong hiện tại, tự mình với thượng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Và với sự giải thích: “Sa môn Gotama là bậc có ba minh: này Vaccha, người ấy mới là người nói về Thế Tôn đúng với điều đã được nói, mới không vu khống Thế Tôn với điều không thực, mới giải thích về Thế Tôn đúng pháp và tùy pháp, và mới không có một vị đồng hành pháp nào nói lời đúng pháp có thể lấy cớ để quở trách”. (Kinh Trung Bộ tập II trang 310 kinh Ba Minh Vaccha).
Đoạn kinh trên đây đã xác định rõ ràng: nói đúng Phật là phải giải thích Tam Minh mới gọi Phật có Tam minh (Sa Môn Gotama là bậc có Tam Minh), chứ không được nói Phật là tánh thấy, tánh biết, tánh nghe, hay là Phật tánh, tánh giác bậc nhất thiết trí, bậc nhất thiết kiến và tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục.
Kính thưa các bạn! Bấy giờ các bạn đã hiểu Phật giáo cái gì đúng và cái gì sai, cái gì của Phật, cái gì không phải của Phật. Tùy các bạn chọn lấy cho mình một lối đi cho thích hợp, còn riêng chúng tôi khi nói Đại Thừa sai là chúng tôi đều có căn cứ vào lời Phật dạy, chứ không phải tự bịa ra nói Đại Thừa sai, xin các bạn hiểu cho.
Bởi vì trong kinh đã xác định rõ ràng: “Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngồi và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại, liên tục”. Thì đây là nói về Ta không đúng với điều đã nói, họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy”.
(Kinh Trung Bộ tập II trang 309 kinh Ba Minh Vacchagota).
Tóm lại, đoạn kinh này không đủ để chứng minh kinh sách Đại thừa sai sao? Từ đây về sau kinh sách Đại Thừa không còn giá trị như xưa kia nữa. Khi những bài kinh Nguyên Thủy này làm sáng tỏ thì kinh sách Đại thừa và Thiền Tông mất giá trị không còn ai tin nó là kinh sách của Phật nữa.
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét