Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

THẮNG TRÍ ĐOẠN TRỪ BA CẢM THỌ ĐI VÀO CỨU CÁNH


LỜI PHẬT DẠY
“Này Aggivessana, có ba thọ này: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác lạc thọ, chính khi ấy không cảm giác khổ thọ, không cảm giác bất lạc, bất khổ thọ, chỉ cảm giác lạc thọ mà thôi. Này Aggivessana, trong khi cảm giác khổ thọ thì không có hai cảm giác kia, này Aggivessana, trong khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, chính khi ấy không có hai cảm giác kia. Này Aggivessana, lạc thọ là vô thường, là hữu vi do duyên sanh, là đoạn diệt bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại bị suy tàn, bị tiêu diệt. Như vậy này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ và yểm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục. Vị ấy được giải thoát”.
“Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát” vị ấy biết: “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau thời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.
Này Aggivessana, Tỳ kheo không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời không có chấp thủ”.
(Kinh Trung Bộ tập II trang 351,
kinh Trường Trảo)

 
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này các bạn thấy rất rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta tu tập ngay trên các đối tượng của nó tức là trên các cảm thọ. Như vậy các bạn đã biết rõ có 3 cảm thọ:
1- Thọ lạc.
2- Thọ khổ.
3- Thọ bất lạc bất khổ.
Ba cảm thọ này cần phải quán xét kỹ lưỡng để thấu rõ chúng là các pháp hữu vi do duyên sanh mà có, nên bản chất vô thường, bị đoạn diệt, bị tiêu diệt. Khi hiểu rõ lạc thọ như thật thì các bạn không còn sợ hãi và lo lắng khi chúng đến thăm các bạn. Nhưng muốn giữ tâm bất động với chúng không phải dễ đâu. Dù các bạn đã hiểu biết chúng như thật, nhưng khi chúng đến viếng thăm các bạn thì thọ lạc sẽ cám dỗ khiến các bạn khó dừng lại được tâm tham đắm. Nên đức Phật dạy:“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà”. Bởi vì, dục lạc người đàn ông và người đàn bà tạo ra thọ lạc, làm cho họ không bỏ được, không quên được, đó là thọ lạc. Còn thọ khổ thì sao?
Kính thưa các bạn! Thọ lạc thì ai cũng thích, nhưng đến thọ khổ thì mọi người ai cũng sợ. Khi một cơn đau như dao cắt ruột thì ai cũng rên la, kêu khóc. Muốn bất động tâm được các cảm thọ khổ này thì các bạn phải nhiếp tâm và an trú cho được trạng thái thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Do nhiếp tâm và an trú như vậy các bạn mới có được tâm bất động.
Đây, các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Thật vậy, này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ, yểm ly bất lạc bất thọ khổ, do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục vị ấy được giải thoát”.
Kính thưa các bạn! Đoạn kinh này rất khó hiểu là hai danh từ yểm ly. Vậy yểm ly nghĩa là gì?
Chữ yểm ở đây có nghĩa là ếm hay ém, làm cho không ngóc đầu dậy. Như yểm bùa, yểm chú, ếm tà, ếm ma v.v..
Yểm ly các cảm thọ nghĩa là làm không cho các cảm thọ tác động vào thân tâm được. Vậy làm cho các thọ không còn tác động vào thân tâm được, là phải làm sao?
Muốn yểm ly các thọ, các bạn nhiếp tâm và an trú tâm vào thân hành nội hay thân hành ngoại.
Khi nói đến hai chữ yểm ly thì các bạn nhớ đến Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là phương pháp yểm ly các cảm thọ tuyệt vời.
Khi các bạn yểm ly được các cảm thọ tức là các bạn làm chủ được các cảm thọ. Khi làm chủ được các cảm thọ thì tham dục bị diệt trừ, do tham dục được diệt trừ thì các bạn đã được giải thoát.
Chúng tôi xin nhắc lại để các bạn rõ người ngộ được 12 nhân duyên là bậc duyên giác, người này tu tập ngay trên các cảm thọ. Theo kinh Thập Nhị Nhân duyên thì thọ sinh ra ái dục. Do muốn bẻ gẫy ái dục thì nên yểm ly ba thọ. Muốn yểm ly ba thọ thì Định Niệm Hơi Thở phải tu tập nhiếp phục và an trú tâm cho được nhuần nhuyễn trong hơi thở.
Như vậy, bài kinh này dạy các bạn chỉ cần tu có một pháp để diệt trừ tâm tham dục. Một pháp để diệt trừ tâm tham dục, đó là pháp môn yểm ly ba thọ. Khi yểm ly ba thọ được thì tham dục đoạn diệt. Tham dục đoạn diệt là tự thân đã giải thoát và giải thoát hoàn toàn nên đức phật dạy: “Do yểm ly các thọ, vị ấy không có tham dục, do không có tham dục vị ấy được giải thoát. Đối với tự thân đã được giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát!”, vị ấy biết “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Kính thưa các bạn! người tu theo Phật giáo đến đây là tu xong, không còn tu tập gì nữa cả.
Đọc đoạn kinh này các bạn thấy sự tu tập của Phật giáo rất đơn giản. Chỉ cần có sự quyết tâm muốn tìm đường ra khỏi cuộc đời đầy ô trược và ác pháp; đầy khổ đau và phiền toái, thì nỗ lực tu tập cho đạt được chân lí, nhiếp tâm và an trú tâm cho được trong thân hành niệm nội hay ngoại. Đó là những pháp yểm ly các thọ. Vậy các bạn hãy cố gắng, con đường tu tập không có khó khăn, nó đang chờ đợi sự quyết định và nhiệt tâm của các bạn.
Phật pháp là một sự thật, sự thật trong đời sống của các bạn. Nó giúp cho các bạn vượt qua bao nhiêu sự khổ đau của cuộc đời mình; nó giúp cho các bạn trở thành một con người toàn thiện, sống đầy đủ đạo đức làm người làm Thánh.
Rất mong thay! Các bạn hãy tìm về nơi đạo đức nhân bản - nhân quả, nơi ấy là ngôi nhà an trú vĩnh viễn của các bạn.
Vì yểm ly các thọ là một hành động đạo đức tự thân tâm của các bạn. Nó sẽ làm hết khổ cho các bạn và những người khác. Biến cuộc sống của mọi người trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Vay chúc các bạn thành công!
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét