LỜI PHẬT DẠY
1- Phật pháp để cho người ít muốn, không phải để cho người ham muốn nhiều.
2- Phật pháp để cho người biết đủ, không phải cho người không biết đủ.
3- Phật pháp để cho người sống thanh vắng không phải cho người ưa hội họp.
4- Phật pháp để cho người siêng năng tinh cần chứ không để cho người lười biếng.
5- Phật pháp để cho người trú niệm không phải cho người thất niệm.
6- Phật pháp để cho người thiền định không phải để cho người không thiền định.
7- Phật pháp để cho người thiện tuệ không để cho người có ác tuệ.
8- Phật pháp để cho người không hý luận không để cho người ưa hý luận.
CHÚ GIẢI:
Người tu hành chân chánh theo Phật giáo phải chấp nhận theo tám điều dành cho người chân tu. Nếu không chấp nhận tám điều này thì đừng nên tu theo Phật giáo, vì có tu cũng không ích lợi gì cho bản thân mà còn làm hại mình, hại người và hại Phật giáo. Người mà làm hại mình, hại người và làm hại Phật giáo thì người đó là người hèn hạ nhất, dám lấy Phật giáo làm nghề sống hay nói cách khác lấy tôn giáo để lừa đảo người, làm giàu cho bản thân. Trên đời này không có tội nào nặng bằng tội lấy Phật giáo làm nghề sinh sống, lừa đảo mọi người, gây ra tình trạng mê tín trong dân gian, dưới mọi hình thức: cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, đốt tiền vàng mã, tụng kinh trị bệnh, trừ tà giải ách, bắt quỉ, trừ ma, yểm bùa, v.v..
Đạo Phật là đạo như thật, nên Đạo Phật chỉ dành riêng cho những người ít muốn, biết đủ, siêng năng, trú niệm, thiền định, thiện tuệ, không hý luận. Ngược lại, những người còn ham muốn nhiều, không biết đủ, lười biếng, thất niệm, không ly dục ly ác pháp, ác tuệ, ưa hý luận thì không nên tu theo Phật giáo. Và Đạo Phật cũng không chấp nhận những người ấy, vì những người ấy không xứng làm đệ tử Phật.
Để cho mọi người hiểu rõ từng lời dạy của Phật trên đây chúng tôi sẽ xin cố gắng giải thích rõ ràng hơn.
Câu thứ nhất: Đức Phật dạy: “Phật pháp để cho người ít muốn, không phải để cho người ham muốn nhiều”. Như vậy người ít ham muốn mới có thể theo tu tập với Đạo Phật, còn người có tâm ham muốn nhiều thì xin vui lòng đừng nên theo Phật giáo tu hành, vì có tu hành cũng chẳng tới đâu, mà còn phí bỏ một đời người chẳng ích lợi cho mình, cho người.
Nếu ai lấy Phật giáo làm cuộc sống hay để kinh doanh làm giàu thì chúng tôi xin đừng nên làm như vậy. Làm nhưvậy làbuôn bán Phật Pháp. Làm giàu sinh sống như vậy là hèn hạ quí vị ạ! Khi chúng tôi nói điều này xin các bạn hãy suy ngẫm lại xem. Hiện giờ có phải các tu sĩ Phật giáo đang buôn Thần, bán Thánh, đang buôn bán kinh sách Phật pháp, đang buôn bán sự mê tín (giấy tiền vàng bạc, kho đụn, nhà cửa, xe cộ, áo quần bằng giấy…, lại thêm một bộ đồ “hải hội” mặc vào khi chết được mau siêu thoát) với giá cắt cổ. Có đúng vậy không các bạn?
Phật giáo là chỗ nương tựa về tinh thần và đạo đức cho mọi người thì xin hãy đừng đem bán rẻ, làm mất chỗ nương tựa đạo đức và tinh thần của mọi người. Nếu làm như vậy thì sự sống của loài người trên hành tinh này sẽ ra sao, các bạn có biết không? Từ xưa tới nay người ta vẫn làm như vậy. Câu hỏi có tác dụng gì???
Câu thứ hai: Đức Phật dạy:“Phật pháp để cho người biết đủ, không phải cho người không biết đủ”. Người còn nhiều ham muốn chưa biết đủ, thì xin đừng theo Phật giáo tu hành, đừng mặc chiếc áo tu sĩ Phật giáo, mà sống như một ông nhà giàu thì mọi người sẽkhinh chêPhật giáo quí vị ạ! Phật giáo chủ trương: “Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”,vậy mà tu sĩ Phật giáo hiện giờ có thấy ông Tăng nào nghèo đâu!? Tăng sống trong chùa to, Phật lớn, tiền bạc nhiều, xe cộ đầy đủ, sống tiện nghi không thua gì những người giàu sang, quyền thế ngoài đời, trong lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ chỗ giàu sang vua chúa buông bỏ hết, để trở thành một ông Tăng nghèo đi xin ăn hằng ngày. Xin các bạn hãy quan sát lại xem sẽ thấy đời sống của tu sĩ Phật giáo hiện giờ và đời sống của đức Phật và chúng Thánh Tăng ngày xưa có một sự tương phản một trời một vực. Nếu thấy mình chưa biết đủ, thì xin hãy trở về thế tục, mà sống như mọi người, thì Phật giáo mới không bị những người khác khinh chê. Nhờ đó, Phật giáo mới là chỗ nương tựa tinh thần vững chắc và có lợi ích thiết thực cho mọi người, bằng ngược lại làm hại mình, hại người và làm mất uy danh của Phật giáo, thì tội ấy rất nặng không thể lấy gì mà nói hết được.
Câu thứ ba: Đức Phật dạy: “Phật pháp để cho người sống thanh vắng không phải cho người ưa hội họp”. Người còn ưa thích hội họp thì xin đừng nên tu theo Phật giáo, vì có tu cũng chẳng ích lợi gì. Tạo sao vậy? Tại vì đó là những người nhiều chuyện, người nhiều chuyện là những người xấu, người ác, người không đáng cho chúng ta làm bạn.
Thưa các bạn! Tu theo Đạo Phật mà còn thích hội họp, thích nói chuyện, thì các bạn phải biết rằng họ chỉ là những đệ tử tu sĩ của Bà La Môn, chứ đệ tử của đức Phật thì sống độc cư, trầm lặng, thanh vắng một mình. Đức Phật không chấp nhận những tu sĩ Bà La Môn ưa thích hội họp nói chuyện, vì hội họp ưa thích nói chuyện làm mất Thánh hạnh của tu sĩ đệ tử Phật. Cho nên, Ngài thường răn nhắc các đệ tử của mình: “Phật pháp để cho người sống thanh vắng, không phải cho người ưa hội họp”. Vậy thấy tu sĩ nào ưa hội họp nói chuyện không thích sống thanh vắng độc cư một mình thì chúng ta biết ngay đó là những tu sĩ ngoại đạo Bà La Môn. Những tu sĩ như vậy làm hư chánh pháp của Phật, làm hoại diệt Phật pháp, làm cho Phật giáo bị người đời khinh rẻ. Những kẻ ấy là Ma Ba Tuần trong Phật giáo, là Quỷ Vương. Chúng ta là những người tu theo Phật giáo hãy tránh xa những loại tu sĩ này. Vì những tu sĩ này không xứng đáng cho chúng ta kính phục, cung kính cúng dường và đảnh lễ.
Câu thứ tư: Đức Phật dạy:“Phật pháp để cho người siêng năng, tinh cần chớ không để cho người lười biếng”. Lời dạy này rất thực tế, nếu một người tu hành theo Phật giáo mà lười biếng thì làm sao tu hành được. Vì chung quanh chúng ta đều là ác pháp, ác pháp từ bên ngoài xâm chiếm vào và ác pháp từ nội tâm đánh ra, nếu chúng ta không cảnh giác từng phút, từng giây giữ gìn ngăn và diệt ác pháp, thì chúng ta bị ác pháp xỏ mũi dắt đi như dắt một con bò. Cho nên, người siêng năng mới tu tập được chánh pháp của Phật, còn ai lười biếng thì xin đừng tu theo Phật giáo. Vì tu như vậy chẳng ích lợi gì mà còn làm hại cho Phật giáo, làm cho người thế tục cười chê, khinh rẻ. Khi Phật giáo bị người ta khinh rẻ dù bạn sống không đúng kỉ luật chánh hạnh của Phật giáo thì bạn có xấu hổ không?
Cho nên, Đạo Phật có Tứ Chánh Cần tức là bốn sự phải siêng năng tu tập:
1/ Hằng ngày phải siêng năng tu tập ngăn các ác pháp.
2/ Hằng ngày phải siêng năng tu tập diệt các ác pháp.
3/ Hằng ngày phải siêng năng tu tập sanh các thiện pháp.
4/ Hằng ngày phải siêng năng tu tập tăng trưởng các thiện pháp.
Cho nên,“Phật pháp để cho người siêng năng tinh cần, chứ không để cho người lười biếng”. Các bạn nên nhớ câu dạy này đừng quên thì các bạn sẽ có lợi ích cho đời của bạn.
Câu thứ năm: Đức Phật dạy: “Phật pháp để cho người trú niệm, chứ không phải để cho người thất niệm”. Người tu theo Đạo Phật cần nên lưu ý và hiểu cho rõ nghĩa này. Trú niệm nghĩa là gì?
Trú niệm là ở trong chánh niệm, nói rõ nghĩa hơn là ở trong niệm thiện. Vậy niệm thiện nghĩa là gì? Là niệm không tham, sân, si, mạn, nghi, v.v..
Theo nghĩa của Đại Thừa và Thiền Tông thì trú niệm là ở chỗ không có vọng tưởng như kinh Kim Cang dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.Thiền Tông dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”.Đó là lối trú niệm ức chế tâm chứ không phải trú niệm xả tâm theo như Phật giáo Nguyên Thủy.
Thất niệm nghĩa là gì?
Thất niệm nghĩa là mất niệm, người ở đời thường hay để mất niệm. Mất niệm tức là sống ở trong niệm ác. Chúng tôi cho một vài ví dụ để dễ hiểu hơn.
Ví dụ 1: Có một người tức giận một điều gì mà chửi mắng người kia; người kia tức giận chửi mắng lại người nọ. Người tức giận chửi mắng lại người khác là người thất niệm. Còn người trú niệm thì không tức giận mà tâm hồn luôn thanh thản, an lạc và vô sự, xem như không có điều gì xảy ra.
Ví dụ 2: Cơ thể bị bệnh đau nhức khổ sở vô cùng, như đau ruột thừa. Người bị bệnh thất niệm thì rên la khổ sở, còn người không thất niệm (trú niệm) thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự xem như cơn đau chẳng có liên hệ gì đến mình.
Theo nghĩa của Phật giáo thì người trú niệm là luôn luôn ở trong tâm bất động còn người thất niệm thì luôn luôn ở trong tâm dao động. Có nhiều cách trú niệm:
· Trú niệm trên Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu.
· Trú niệm trên 18 đề mục hơi thở.
· Trú niệm trên bước đi (kinh hành).
· Trú niệm trên thân hành (Thân Hành Niệm).
· Trú niệm quán vô lậu.
· Trú niệm thư giản.
Tóm lại, Phật pháp là dành riêng cho những người sống trong thiện pháp, chứ không phải để cho những người sống trong ác pháp.
Câu thứ sáu: Đức Phật dạy:“Phật pháp để cho người thiền định không phải để cho người không thiền định”. Người tu theo Đạo Phật cần nên lưu ý và hiểu cho rõ nghĩa này. Thiền định nghĩa là gì?
Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy là nói ly dục ly ác pháp, nói rõ nghĩa hơn là ở trong niệm thiện vô lậu. Vậy niệm thiện vô lậu nghĩa là gì? Là tâm đã muội lược lìa xa, từ bỏ tham, sân, si, mạn, nghi v.v..
Theo nghĩa của Đại Thừa và Thiền Tông, thì thiền định là ở chỗ tâm không có vọng tưởng, như kinh Kim Cang đã dạy:“Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”,Thiền Tông dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền”. Đó là thiền định ức chế tâm, rơi vào trạng thái tưởng không niệm, chứ không phải thiền định xả tâm, theo như Phật giáo Nguyên Thủy.
Thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy, mà đức Phật đã xác định trong Bát Chánh Đạo: Chánh định là Bốn thiền hữu sắc, còn gọi là Tứ Thánh Định, ngoài Tứ Thánh Định này, thì thiền định nào cũng không được gọi là Chánh định cả. Cho nên, Bốn định vô sắc thường được ghép chung vào Tứ Thánh Định. Đó là ngoại đạo ghép vào để đánh lừa tín đồ Phật giáo. Bốn Định Vô Sắc là thiền định của ngoại đạo, là loại thiền định tưởng chứ không phải của Phật giáo. Nhưng các Tổ sau này không tu tập đến nơi, đến chốn, không hiểu nó là thiền định tưởng, cho nên lầm tưởng bốn Định Vô Sắc là thiền định của Phật giáo. Đã thế khi kết tập kinh sách không có vị Trưởng lão nào chứng quả A La Hán, nên theo sự nghĩ tưởng phàm phu của các Tổ mà sắp thành chín lớp thiền định như kinh sách Đại Thừa và ngay trong tạng kinh tạng Pali. Đó là một sự lầm lẫn rất lớn trong kinh sách Phật giáo hiện nay. Khi đức Phật tu nhập xong các loại thiền tưởng này, Ngài thấy nó chẳng có lợi ích, nên ném bỏ như một chiếc giày rách, thế mà người sau nhặt nó vào, để làm sống lại thiền định ngoại đạo này.
Như chúng ta đã biết thiền định của Phật là loại thiền định xả tâm, vì thế phương pháp tu thiền định này là Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác pháp trên bốn chỗ trong thân ngũ uẩn: Thân, thọ, tâm, pháp. Khiến cho bốn chỗ này được thanh thản, an lạc và vô sự.
Phật lấy chỗ tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ làm mục đích giải thoát cho con đường tu tập của mình. Cho nên, người tu tập ngăn ác diệt ác pháp là người tu tập thiền định của Phật.
“Phật pháp để cho người thiền định”. Lời dạy này có nghĩa: Người nào sống biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, ăn, ngủ, độc cư, trầm lặng là người có thiền định, tức là người biết ngăn ác diệt ác pháp. Còn người nào không ngăn ác, diệt ác pháp là người không tu tập Phật pháp được. Cho nên, Phật nhắc nhở chúng ta: “không phải để cho người không thiền định”. Vậy người thiền định như thế nào?
Như trên đã nói: người thiền định của Phật giáo không phải là người ngồi kiết già, ức chế tâm cho hết vọng tưởng. Người thiền định của Đạo Phật là người biết buông xả các ác pháp, là người biết yểm ly tham, sân, si, biết thiểu dục tri túc, biết sống độc cư trầm lặng một mình. Người nào sống được tâm thiền định như vậy thì Phật pháp mới là pháp môn dành riêng cho họ. Ngược lại, ai sống không có thiền định như vậy thì Phật pháp không phải là pháp môn cho họ tu tập.
Những người về tu viện Chơn Như thường sống không đúng hạnh độc cư, không chịu xả tâm, thường ức chế tâm, khi đi kinh hành cũng như ngồi hít thở, thích tập họp nói chuyện. Đó là những người không có thiền định.
Đức Phật đã xác định:“Người thiền định của Đạo Phật là người cạo bỏ râu tóc, đắp y phấn tảo, sống không nhà cửa, không gia đình, thiểu dục tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không”. Người có một đời sống như vậy là người thiền định của Phật giáo. Vì thế, pháp môn của Phật là để dành cho những người như vậy. Và những người như vậy là những người đáng thừa hưởng pháp môn giải thoát của Đạo Phật. Chúng tôi xin nhắc lại để quý bạn ghi nhớ: “Phật pháp để cho người thiền định, không phải để cho người không thiềnđịnh”. Khi vào tu viện Chơn Như thì các bạn nhớ lấy lời này, chứ không phải các bạn đến đây nghỉ mát dưỡng bệnh.
Câu thứ bảy: Đức Phật dạy: “Phật pháp để cho người thiện tuệ, chứ không phải để cho người có ác tuệ”.
Người tu theo Đạo Phật cần nên lưu ý và hiểu cho rõ nghĩa này. Thiện tuệ nghĩa là gì?
Thiện tuệ của Phật giáo Nguyên Thủy là nói tri kiến giải thoát, nói rõ nghĩa hơn nó là Chánh tư duy. Vậy Chánh tư duy nghĩa là gì? Là sự suy tư để lìa xa, từ bỏ, hay yểm ly tham, sân, si, mạn, nghi, v.v..
Người có Chánh tư duy là người có lòng yêu thương người khác, biết tha thứ mọi sự lỗi lầm của người khác, biết giúp đỡ những người bất hạnh trong xã hội. Người nào có được lòng yêu thương ấy, thì Phật pháp mới là pháp môn dành riêng cho họ, còn ngược lại ai có tà tư duy, có nghĩa là tâm tính hung dữ, gian tham, sân hận, thù oán, ganh ghét, tị hiềm, kiêu căng, nga mạn, xan tham, tật đố, v.v.. thì Phật pháp không phải để cho họ tu hành. Chính vì tà tư duy là ác tuệ. Ác tuệ là tri kiến suy nghĩ về tham dục, tri kiến về sân hận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ...
Như trên chúng tôi đã nói người có tri kiến ác là người không thể tu theo Phật giáo được. Cho nên “Phật pháp để cho người thiện tuệ không để cho người có ác tuệ”.Các bạn nên ghi nhớ những lời dạy này.
Câu thứ tám: Đức Phật dạy: “Phật pháp để cho người không hý luận, chứ không phải để cho người ưa hý luận”. Người tu theo Đạo Phật cần nên lưu ý và hiểu cho rõ nghĩa này. Hý luận nghĩa là gì?
Hý luận là lời nói giễu cợt, lời nói bông đùa, lời nói không có lợi ích, lời nói không mang lại kết quả thiết thực cụ thể, như trong kinh Bát Nhã dạy: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Đó là lời nói hý luận. Nói ra được, nhưng không ai làm được như vậy. Lời nói mơ hồ, trừu tượng, lời nói uốn trườn như con lươn, lời nói qua, nói lại không cụ thể thực tế:“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Người hay dùng kiến giải lý luận nghĩa này, nghĩa kia, thường dựa vào ý hay lời đẹp của kinh sách đời hoặc đạo, rồi đem ra tranh luận hơn thua, để chứng tỏ mình là người lão thông thiên kinh vạn điển, là người giỏi, người hay. Người như vậy là người thích học hỏi để hý luận, vấn nạn người khác, để tỏ ra mình là người thông suốt kinh Phật và Thiền định. Nhưng sự thông suốt ấy đối với người chứng đạo thì họ là người thông thái “dỏm”.
Những hạng người hay hý luận như vậy là những người không tu theo Đạo Phật được. Vì Đạo Phật không phải là đạo hý luận. Người đến thưa hỏi đạo là phải hỏi những điều tu tập thực tế, để thoát ly sinh tử luân hồi, còn người hỏi đạo theo chữ nghĩa và những tưởng giải mênh mông điều này, điều khác trên trời, dưới đất để vấn nạn hơn thua, là những người hý luận chứ không phải người tu thật sự. Cho nên, “Phật pháp để cho người không hý luận, chứ không để cho người ưa hý luận”. Vì thế, khi một người đến hỏi đạo mà hỏi chuyện:“Có thế giới siêu hình, linh hồn, ma, quỷ không? Có tái sanh luân hồi, có vua Diêm Vương, có Ngọc Hoàng Thượng Đế hay không?”, những câu hỏi ấy là những câu hý luận. Với những người này các bạn đừng nên đem Phật pháp bán rẻ cho họ. Vì họ không phải là người tu theo Phật giáo được. Nên mời họ ra khỏi tu viện, vì tiếp họ mất thì giờ, không có ích lợi gì. Xin các bạn lưu ý cho. Đó là những hạng người kiến chấp, ngã chấp.
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 3.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét