LỜI PHẬT DẠY
1/ “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền.
2/ Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền.
3/ Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền (ly hỷ).
4/ Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”.
CHÚ GIẢI:
TỊNH CHỈ NGÔN NGỮ
Những lời dạy cô đọng này của đức Phật, là để chỉ cho chúng ta biết lối vào nhập Tứ Thánh Định, nếu chúng ta không hiểu nghĩa rõ ràng thì chẳng biết đường nào nhập vào Bốn Thánh Định này được.
Ở đây Phật dạy muốn nhập Sơ Thiền thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ. Vậy tịnh chỉ ngôn ngữ như thế nào? Tịnh chỉ là gì? Và ngôn ngữ là gì?
Có trả lời được những câu hỏi này, mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Ngôn là lời nói; ngữ là chữ viết; tịnh là thanh tịnh; chỉ là ngưng, là dừng lại. Vậy nghĩa đen chung của bốn chữ này là “dùng tâm thanh tịnh dừng lời nói và đừng viết chữ mới nhập được Sơ Thiền”.
Tâm thanh tịnh là gì? Tâm thanh tịnh là tâm ly dục, ly ác pháp. Muốn tâm ly dục ly ác pháp thì pháp môn Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm phải siêng năng tu tập. Vậy Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm phải tu tập như thế nào? Muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì phải tu tập bốn loại định:
1/ Định Niệm Hơi Thở
2/ Định Vô Lậu
3/ Định Sáng Suốt
4/ Định Chánh Niệm Tỉnh Giác
Nên nhớ luôn luôn tu các định này phải kết hợp với pháp như lý tác ý.
Muốn tu tập Tứ Niệm Xứ, thì phải dùng pháp như lý tác ý quét chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp bằng 18 đề mục của Định Niệm Hơi Thở, phải thiện xảo áp dụng đúng cách.
Muốn tu tập pháp môn Thân Hành Niệm, thì phải tu tập tác ý theo thân hành niệm nội hay ngoại.
Nhờ tu tập những pháp môn trên đây mà tâm được thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì lúc bấy giờ mới có thể tịnh chỉ ngôn ngữ. Tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không thể nào tịnh chỉ ngôn ngữ được.
Nếu chúng ta hiểu nghĩa tịnh chỉ ngôn ngữ bằng cách không nói chuyện (tịnh khẩu), thì ngàn đời tu hành cũng chẳng nhập được Sơ Thiền chút nào.
Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, khi tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ và Thân Hành Niệm, thì phải thực hiện phòng hộ sáu căn, do đó chúng ta tránh hội họp, tránh nói chuyện, sống trọn vẹn trầm lặng độc cư, mà còn phải giữ tâm độc trú nữa. Có như vậy sự tu hành mới có thể đi đến nơi, đến chốn.
Từ lâu tại tu viện Chơn Như này, có biết bao người về tu tập, nhưng đều tu sai pháp, sống không đúng hạnh phòng hộ sáu căn. Và vì thế đến nay họ đã mang nợ áo cơm của đàn na thí chủ quá nhiều, uổng phí một đời tu hành của họ mà thôi, cũng chỉ vì không tin Thầy, hành không đúng lời dạy. Bây giờ họ tin ai trong đời này. Ai là người đã tu tập nhập được Tứ Thánh Định và thực hiện được Tam Minh? Không tin Thầy thì chỗ nương tựa đã mất. Mất chỗ nương tựa, rồi đây các bạn sẽ về đâu? Tu tập như các bạn đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo. Sống dở, chết dở. Phải không các bạn?
Khi nghe hỏi vậy, chắc các bạn sẽ trả lời: “Thiếu gì chỗ tựa nương, đâu phải chỉ có Thầy sao”. Đúng vậy, nhưng để xem các bạn tu hành được những gì? Hay chỉ nói xấu Thầy mình mà thôi.
Vì lòng yêu thương, nên Thầy nói thế để rồi trên đường tu tập của các bạn sẽ trôi về đâu… thì đó là đáp số của các bạn. Dù sao một giây, một phút, một giờ, một ngày cùng sống bên nhau, thì cũng còn mang trong lòng một chút tình nghĩa Thầy trò. Phải không các bạn? Thầy chỉ có một kiếp này, một lần này ở thế gian mà thôi.
“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.
TỊNH CHỈ KHẨU HÀNH
Muốn nhập Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ khẩu hành. Vậy tịnh chỉ khẩu hành như thế nào? Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy khẩu hành là gì?
Có trả lời được những câu hỏi này mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Miệng có hai phần hoạt động:
1- Miệng dùng để ăn.
2- Miệng dùng để nói chuyện.
Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Vậy nghĩa đen chung của cả bốn chữ tịnh chỉ khẩu hành này là “dùng tâm thanh tịnh dừng sự hoạt động của miệng nhập Nhị Thiền, tức là dừng lại sự nói chuyện và không ăn uống”.
Làm cách nào để miệng ngưng hoạt động nhập Nhị Thiền? Câu ở trên đức Phật đã dạy: “Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền”. Vậy tịnh chỉ như thế nào? Như chúng tôi đã nói ở trên. Tịnh chỉ là ly dục ly ác pháp, nghĩa là khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm bất động, tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si nữa là tâm có đủ bảy năng lực, nhờ bảy năng lực ấy mới làm cho khẩu hành ngưng hoạt động. Nếu tâm chưa có đủ bảy năng lực thì khó mà nhập định được.
Tịnh chỉ khẩu hành, nói thì dễ mà tu tập thì không phải dễ. Tịnh chỉ là cả một quá trình tu tập của Phật giáo, đòi hỏi người tu sĩ phải sống đúng giới luật không được vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả.
Cho nên, khi nghe Phật nói: Ly dục ly bất thiện pháp nhập Sơ Thiền do ly dục sinh hỷ lạc, thì chúng ta tưởng ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng tưởng là sẽ nhập Sơ Thiền. Điều này không thể được các bạn ạ! Như chúng ta ai cũng nói ly dục được, nhưng không phải nói ly dục là tâm ta ly dục được liền. Muốn ly dục, ly ác pháp thì chúng ta cũng phải bỏ hết cả cuộc đời để tu tập, vừa sống đúng phạm hạnh, vừa tu tập cho đúng pháp môn. Nếu sống đúng Phạm hạnh, mà tu tập không đúng pháp môn thì được lợi ích phân nửa, còn Phạm hạnh sống không đúng mà chỉ tu đúng pháp thì chẳng ích lợi gì, trái lại còn có tai hại, nghĩa là sống phạm giới, phá giới mà tu tập thiền định, thì sẽ rơi vào tà thiền, một loại thiền rất nguy hiểm, làm mất đường giải thoát.
TỊNH CHỈ MỘNG TƯỞNG
Như lời Phật đã dạy: “Muốn nhập Tam Thiền thì phải tịnh chỉ mộng tưởng”.Vậy tịnh chỉ mộng tưởng như thế nào? Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy mộng tưởng là gì? Có trả lời được câu hỏi này mới làm sáng tỏ nghĩa của nó. Mộng tưởng là tưởng tri những điều không có thật, là những trạng thái do tưởng uẩn tạo ra giống như những người lên đồng, nhập cốt, giống như các nhà ngoại cảm, giống như giấc chiêm bao. Đó là những sự hoạt động của tưởng uẩn.
Mộng tưởng là sự hoạt động của tưởng. Vậy nghĩa đen chung cho cả bốn chữ tịnh chỉ mộng tưởng này là “dùng năng lực tâm thanh tịnh tức là Thất Giác Chi dừng sự hoạt động của tưởng uẩn nhập Tam Thiền”.
Làm cách nào để tưởng uẩn ngưng hoạt động nhập Tam Thiền? Câu nói ở trên đức Phật đã dạy: “Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền”.Vậy tịnh chỉ như thế nào? Như chúng tôi đã giải thích nghĩa tịnh chỉ ở trên. Tịnh chỉ là ly dục ly ác pháp, nghĩa là khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm bất động. Tâm không còn tham, sân, si, mạn nghi. Tâm không còn tham, sân, si… nữa, là tâm có đủ bảy năng lực, nhờ bảy năng lực ấy mới làm cho tưởng uẩn ngưng hoạt động. Nếu tâm chưa có đủ bảy năng lực Giác Chi thì không Tịnh chỉ mộng tưởng nhập Tam Thiền (ly hỷ) được.
TỊNH CHỈ HƠI THỞ
Muốn nhập Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở. Vậy tịnh chỉ hơi thở như thế nào?
Tịnh chỉ thì các bạn đã hiểu nghĩa rồi. Vậy hơi thở là gì? Hơi thở là sự hoạt động tự nhiên của thân bạn, để tiếp thu thể khí bên ngoài mà nuôi dưỡng thể khí bên trong.
Hơi thở là sự hoạt động nội của thân, thân còn sống thì còn thở, thân không còn sống là thân hết thở. Vậy hơi thở là mạng sống của con người. Nghĩa đen chung của bốn chữ tịnh chỉ hơi thở này là: “dùng năng lực tâm thanh tịnh tức là Thất Giác Chi dừng sự hoạt động nội thân để hoàn toàn thân bất động nhập Tứ Thiền”.
Muốn nhập Tứ Thánh Định thì các bạn nên lưu ý: “Khi nào mình có đủ 7 năng lực Giác Chi thì mới nhập được, còn chưa đủ 7 Giác Chi thì đừng mong sờ mó đến Bốn Thánh Định này”.
________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 3.
Link: https://mega.co.nz/#F!jNFAEBKD!AhEF4Uw-74ctVkM6DtlQyg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét