Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

TẠI SAO ĐỨC PHẬT BIẾT NẤM ĐỘC MÀ LẠI ĂN


LỜI PHẬT DẠY
“Này Cunda ăn mộc nhĩ còn lại Ngươi hãy đem chôn vào một lỗ. Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi Trời cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới không một người nào trong chúng Sa Môn và chúng Bà La Môn giữa những Thiên Nhân, món ăn mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai”.
(Kinh Trường Bộ tập 1 trang 624,
kinh Đại Bát Niết Bàn)


 
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này chúng ta xét thấy có hai điều vô lý:
1- Người thợ rèn Cunda nấu món ăn mộc nhĩ chưa bao giờ ăn mà lại dám đem dâng cúng Phật và chúng Thánh Tăng. Đó là vô lý thứ nhất. Ai đã soạn câu này và viết vào kinh sách Nguyên Thủy để hủy báng Phật, Pháp, Tăng, để làm kinh sách Phật mất hết ý nghĩa chân thật của nó. Một sự giả dối không thể nào tha thứ được. Một món ăn chưa từng ăn mà dám cho người khác ăn, chỉ đó là món thuốc độc mà thôi.
2- Đạo Phật là đạo trí tuệ, chuyển nhân quả khi biết nấm độc mà ăn là không trí tuệ, nhất là đức Phật biết là nấm độc không cho chúng Tỳ kheo ăn mà mình lại ăn là điều vô lý thứ hai. Nhất là đức Phật là người đã thông suốt luật nhân quả. Luật nhân quả là một đạo luật được chuyển hóa bằng thiện pháp. Cuộc đời tu hành của Phật đã chứng đạo tức là Ngài đã sống toàn thiện. Người sống toàn thiện là người đã chuyển hoá được nhân quả. Cho nên, đối với thân nhân quả của đức Phật Ngài làm chủ hoàn toàn, muốn sống chết đều theo ý muốn của Ngài. Cho nên Ngài dạy: “Này Ananda, những ai đã tu Bốn Thần Túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn, người ấy có thể sống một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu Bốn Thần Túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại”. (Kinh Trường Bộ tập I trang 586 kinh Đại Bát Niết Bàn). Đức Phật có đủ khả năng làm chủ nhân quả như vậy mà lại ăn nấm độc để chịu bệnh kiết lỵ ra máu mà chết, thì thật là một điều vô lý hết sức. Làm chủ nhân quả mà để cho nhân quả làm chủ mình thì thật là vô lý. Đoạn kinh này là do người sau không biết luật nhân quả chuyển hóa; không thông năng lực của Tứ Thần Túc của Phật giáo, nên xen đoạn kinh này để che đậy sự tu hành không làm chủ sanh, già, bệnh, chết của mình đối với tín đồ “Chẳng muội nhân quả” chứ không làm chủ nhân quả được.
Theo chúng tôi biết chắc chắn đoạn kinh này là do các Tổ thêm vào để dựng lên thuyết nhân quả định mệnh, tức là nhân quả cố định không thay đổi được, đó là để chỉ rõ pháp môn Đại Thừa và Thiền Tông không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nó là một loại thiền ức chế tâm, chứ không phải là thiền xả tâm, vì thế càng tu càng chạy theo danh lợi và dục lạc thế gian.
Nếu đúng nhân quả là định mệnh thì đạo Phật không bao giờ tuyên bố làm chủ sanh, già, bệnh, chết, và không dạy người tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện. Vì không chuyển hóa được nhân quả nên đạo Phật không ra đời, vì ra đời có làm lợi ích gì cho ai.
Nếu đúng nhân quả định mệnh thì đạo Phật không bao giờ có pháp môn Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định.
Đối với đạo Phật do vô minh mà có nhân quả, thiện ác, khổ đau; do vô minh mà con người mới chạy theo dục mới tạo ra muôn vàn sự khổ đau. Vì thế, đạo Phật ra đời dạy người giới luật và trí tuệ: Giới luật ở đâu thì trí tuệ ở đó, trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật”. Đó là những đức hạnh bằng giới luật và tri kiến của con người làm chủ nhân quả theo đúng những pháp hành Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định. Các nhà học giả đã phỉ báng Phật trong đoạn kinh này và còn phỉ báng đệ tử của Ngài là ngài Mục Kiền Liên, một vị đệ tử đã tu chứng quả A La Hán có đầy đủ thần thông mà đức Phật thường ca ngợi ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông thế mà bị ngoại đạo đánh chết thì không còn chỗ nào phỉ báng Phật, Pháp, Tăng hơn là kinh sách phát triển do các Tổ Bà La Môn khéo léo xen vào từng đoạn kinh Phật để xuyên tạc phá hoại chánh pháp của đức Phật.
Ở đây chúng tôi xin nhắc lại để thấy một sự vô lý hết sức: Người thợ rèn Cunda chưa bao giờ ăn nấm này, nếu đã ăn thì ông đã chết, vì là nấm độc như đức Phật đã nói: “Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi Trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa Môn và Bà La Môn giữa những Thiên Nhân, món ăn mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được.
Khi một món ăn chưa bao giờ mọi người ăn mà đức Phật dạy: “Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta, còn các món ăn khác đã soạn sẵn loại cứng loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỳ kheo”.
Nếu người thợ rèn Cunda nghe lời dạy này thì phải nghi ngờ và tự hỏi: “Tại sao Phật không cho chúng Tỳ kheo ăn thứ mộc nhĩ này?”. Khi đã có câu hỏi như vậy thì Cunda liền đem món đồ ăn này xem lại.
Khi nghe đức Phật nói như vậy, Ông ta lại dồn món ăn mộc nhĩ này chỉ có đức Phật ăn mà thôi, thì thật là vô lý. Đây là sự vô lý không thể tha thứ được. Có đúng như vậy không các bạn?
Về phần đức Phật là một người tượng trưng cho trí tuệ, Ngài dựng lên nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai mà lại ăn nấm độc để làm khổ mình và gây hoang mang dao động cho chúng Tỳ kheo, nhất là làm cho người thợ rèn Cunda sẽ ăn năn hối hận suốt đời, nếu biết đức Phật vì thọ thực nấm của ông cúng dường mà chết.
Trong khi đức Phật có đủ khả năng tự tại trong sanh tử, muốn chết hồi nào là chết được ngay liền, chết trong khi thân không có một chút bệnh khổ. Chính đức Phật là người chết không vì bệnh đau mới đúng nghĩa của đạo giải thoát. Cho nên ở đây người đời sau đã thêm vào những đoạn kinh làm mất ý nghĩa giải thoát của Tứ Niệm Xứ.
Điều vô lý nhất là đức Phật biết nấm độc mà lại ăn vào chết trong đau bệnh kiết lỵ ra máu. Bệnh kiết lỵ ra máu trong tuổi già như Phật thì khổ sở biết là dường bao.
Cho nên, thật vô lý đạo Phật là đạo tự tại trong sanh tử, cớ sao đức Phật lại phải ăn nấm độc để bệnh rồi chết, chết một cách đau khổ như vậy? Mục đích đạo Phật ra đời là giúp cho con người sống chết tự tại an vui, chết không phải vì bệnh. Vậy ai là người đã viết đoạn kinh này, người ấy phải chịu những tội lỗi rất lớn đối với Phật giáo.
Đạo Phật vốn không làm khổ mình, khổ người, sao Phật lại làm khổ Phật, làm khổ người như vậy? Thì nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người của Phật giáo đâu còn có nghĩa gì đối với người đời sau nữa. Đây là một đoạn kinh mà các Tổ dùng để diệt Phật giáo. Các bạn có biết không?
Điều vô lý thứ hai là đức Phật, một người có đại trí tuệ, đại giác ngộ. Đại trí tuệ, đại giác ngộ sao lại ăn nấm độc để bệnh mà chết, thì trí tuệ đó đâu còn là trí tuệ nữa, nó là vô minh. Phải không các bạn?
Các bạn bảo rằng đó là nghiệp nhân quả đời trước của đức Phật, ngày nay đức Phật phải trả. Các bạn đừng nói vậy, nói như vậy là các bạn không hiểu đạo Phật. Đạo Phật là đạo chuyển nhân quả như trên đã nói. Do chuyển nhân quả mới làm chủ được sanh, già, bệnh, chết,
Chuyển nhân quả nên đức Phật mới có đầy đủ trí tuệ thấy biết loại mộc nhĩ ăn vào sẽ chết, cho nên mới cản ngăn không cho chúng Tăng ăn.
Tại sao đức Phật không bảo Cunda bỏ những thực phẩm có nấm độc này đừng cho mọi người ăn trong đó có cả đức Phật. Chỉ cần bảo như vậy thì đức Phật mới là người trí tuệ và thể hiện đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.
Tu như Phật đã làm chủ được nhân quả, làm chủ được đau bệnh. Như đoạn kinh trên nói đức Phật đau gần như chết, thế mà đức Phật đẩy lui được bệnh khổ ra khỏi thân trong sức tỉnh giác chánh niệm của pháp môn Tứ Niệm Xứ. Làm chủ bệnh được như vậy, thế mà món thực phẩm nấu với loại nấm độc này không đổ bỏ đi được sao?
Người tu hành chưa chứng đạo đọc đến đoạn kinh này họ có nhiều nghi vấn nhưng không biết hỏi ai mà thôi. Nếu hỏi các Thầy Đại Thừa và các Thiền Sư Đông Độ thì họ bảo rằng: “Chẳng muội nhân quả” như Tổ Bách Trượng đã dạy:“Trong câu chuyện Bách Trượng dã hổ”.
Tóm lại, đoạn kinh này do các Tổ biên soạn viết ra để thêm vào trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc kinh sách Nguyên Thủy để nói lên thuyết nhân quả định mệnh là của Phật giáo Đại Thừa. Nhưng thuyết nhân quả định mệnh này là của Bà La Môn Ấn Độ và của Thiền Tông Trung Hoa. Người tu hành dù có chứng đạo cũng không làm chủ nhân quả chỉ chẳng muôi nhân quả mà thôi.
Do không hiểu luật nhân quả thiện pháp chuyển ác pháp nên tưởng ra thuyết định mệnh nhân quả, khiến cho biết bao nhiêu người hiểu sai lạc.
Vì hiểu như vậy nên các Tổ mới biên soạn viết đoạn kinh trên đây để thêm vào làm cho sáng tỏ thuyết định mệnh, nhưng không ngờ vô tình lại phỉ báng Phật.
Tóm lại, đoạn kinh trên đây không phải Phật thuyết mà do các Tổ thuyết. Cho nên, đoạn kinh này hoàn toàn mâu thuẫn với tinh thần giáo pháp của Phật. Xin các bạn lưu ý mà hãy cảnh giác những đoạn kinh như vậy thường xen vào kinh sách Nguyên Thủy để dìm Phật giáo.
______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét