LỜI PHẬT DẠY
“Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt dộ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda là những vị tối thượng trong hàng Tỳ kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi”.
(Trường Bộ Kinh tập I trang 585,
kinh Đại Bát Niết Bàn) |
CHÚ GIẢI:
Trước khi nhập Đại Bát Niết Bàn đức Phật đã ân cần dạy bảo ông Ananda những điều cần thiết trên đây. Vậy chúng ta cứ theo lời dạy này mà tu tập, không nương vào một người nào cả.
Theo lời dạy trên đây, chúng ta tu hành theo Phật giáo thì không nên nương tựa vào bất cứ một vị Phật nào, một vị Tổ Sư nào, mà hãy nương tựa vào chính mình, lấy mình làm ngọn đèn soi sáng cho chính mình đi, không nương tựa vào một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương vào một pháp gì khác. Vậy Chánh pháp ở đây là pháp nào?
Đối với những lời dạy trong kinh sách Nguyên Thủy thì Chánh pháp của Phật là Tứ Niệm Xứ. Cho nên, chúng ta nhận xét những lời dạy trong kinh sách phát triển sau này đều không phải là Chánh pháp, vì những pháp của họ không phải là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Không phải pháp môn Tứ Niệm Xứ là không phải Phật thuyết mà do các Tổ sau này biên soạn viết ra. Đó là một loại pháp môn cầu tha lực của ngoại đạo, được cải cách theo thời đại cho thích hợp với sự mê tín của những người dân còn lạc hậu, của những người dân trình độ kiến thức từ các bộ lạc xa xưa đến ngày nay. Khi biên soạn ra những bộ kinh sách này, các Tổ Sư khéo đặt cho giáo pháp của mình một cái tên thật là vĩ đại PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA, còn Thiền Tông lại đặt cho giáo pháp của mình một cái tên thật là kinh khủng PHẬT GIÁO TỐI THƯỢNG THỪA.Tên pháp thì rất hay nhưng tu tập pháp thì chẳng có gì lợi ích thiết thực, cụ thể, chỉ toàn sống trong ảo tưởng, mơ mộng.
Đoạn kinh trên có một cụm từ khiến cho các bạn nên lưu ý. Đó là: “dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp nào khác?”.
Khi nói đến Chánh pháp thì Đại thừa cũng gọi pháp môn của mình là Chánh Pháp. Vậy chúng ta muốn biết Chánh pháp như thế nào đúng và như thế nào sai đây?
Kính thưa các bạn! Chánh pháp ở đây là một pháp duy nhất để đưa dắt con người đi đến cứu cánh hoàn toàn giải thoát, mà đức Phật khi còn sống Ngài đã xác định rõ ràng để các bạn không còn lầm lạc với tà pháp mà các nhà Đại Thừa khéo lồng vào giáo pháp của đức Phật. Giáo pháp của Đại Thừa gồm có: Nào là tụng niệm, cúng bái, cầu siêu, cầu an; nào là niệm Phật Di Đà cầu vãng sanh Cực Lạc; nào là niệm chú, bắt ấn hô phong hoán vũ; nào là ngồi thiền kiến tánh thành Phật; nào lạy hồng danh sám hối để tiêu trừ tai ách; nào Sổ Tức Quán; nào là Lục Diệu Pháp Môn; nào là Tham Công Án, Tham Thoại Đầu; nào là tu Nhĩ Căn Viên Thông; nào là biết vọng liền buông; nào là chẳng niệm thiện niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền v.v.. Những pháp môn của Đại Thừa trên đây cũng làm chúng ta tối mắt, không biết chọn lựa pháp nào là Chánh pháp. Đứng trong rừng pháp môn của Đại Thừa chúng ta mù mịt, không biết đâu là pháp môn chân chánh, vì pháp môn nào Đại Thừa cũng gọi là đệ nhất pháp.
Bây giờ, các bạn hãy nghe Chánh pháp của đức Phật, Ngài đã dạy cho chúng ta trước giờ phút diệt độ tức là lời di chúc cuối cùng của Ngài: “Này Ananda, ở đời, vị Tỳ kheo đối với thân quán thân, tinh tấn tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ…; đối với tâm…; đối với các pháp, quán pháp tinh tấn tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa cho chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác”.
Kính thưa các bạn! Đọc đoạn kinh này chắc các bạn có biết đức Phật đã dạy cho các bạn tu tập pháp môn gì không?
Trên đây là pháp môn Tứ Niệm Xứ đấy các bạn ạ! Nhưng các bạn nên lưu ý những từ mà đức Phật nhấn mạnh như:
1. Quan sát (thân, thọ, tâm, pháp).
2. Tinh tấn.
3. Tỉnh giác.
4. Chánh niem.
5. Nhiếp phục mọi tham ái ưu bi trên đời.
Trên đây có năm nhóm từ, các bạn có hiểu nghĩa và cách thức thực hành tu tập của năm nhóm từ này chưa? Các bạn hãy lắng nghe chúng tôi sẽ giải thích và chỉ dẫn cho các bạn hiểu nghĩa để các bạn thực hành mà không sai lạc. Vậy quán sát thân, thọ, tâm, pháp là gì?
QUÁN SÁT có nghĩa là xem xét, tỉnh thức, không bị mờ mịt, mê mờ, thấy biết rõ ràng từng sự kiện xảy ra không bỏ sót một việc nhỏ nhặt nào trên thân, thọ, tâm và pháp.
THÂN là cơ thể của các bạn do đất, nước, gió, lửa hợp lại thành, gọi là thân tứ đại. Bản chất của thân tứ đại là vô thường, là khổ, vô ngã, thường hoại diệt, mạng sống của thân chỉ có bảy, tám mươi năm hoặc 100 năm là cao.
THỌ là các cảm thọ về thân là đau nhức, mỏi; về tâm là buồn phiền, rầu lo thương ghét, giận hờn v.v..
Thọ gồm có ba:
1- Thọ lạc
2- Thọ khổ
3- Thọ bất lạc, bất khổ
TÂM là sự hiểu biết, sự tư duy, là niệm khởi, là vọng tưởng, là sự suy tầm, là tầm tứ.
PHÁP là âm thinh, sắc tướng, là mọi sự việc xảy ra, là thời tiết nắng mưa gió bão, là đất, đá, núi, sông đều là pháp, ngay cả thân ngũ uẩn cũng gọi là pháp, mỗi hành động tu tập cũng gọi là pháp, lời giảng dạy của Phật trong các kinh sách cũng đều là pháp. Như vậy các bạn đã hiểu nghĩa các cụm từ này. Vậy quán thân, thọ, tâm, pháp nghĩa là gì?
I- QuánTHÂN, THỌ, TÂM, PHÁP có nghĩa là các bạn nên xem xét rất kỹ lưỡng về toàn thân, về các cảm thọ, về toàn tâm và về các pháp. Nói cho đúng nghĩa là các bạn theo dõi thân, thọ, tâm, pháp của các bạn đang hoạt động theo nghiệp lực nhân quả. Nếu sự hoạt động ấy bị tác động làm khổ các bạn và người khác thì các bạn ngăn và diệt, còn sự hoạt động ấy đem lại sự bình an cho các bạn và người khác thì các bạn hãy để nó hoạt động, chứ không phải ngăn diệt. Với việc làm này đức Phật gọi là tu tập Tứ Niệm Xứ. Tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Vậy các bạn hãy học và tu tập về các phần trên thân, thọ, tâm và pháp.
Thứ nhất: Quán thân có nghĩa là luôn luôn tỉnh giác trên thân, biết rõ thân có xảy ra những cảm thọ gì, ở đâu, chỗ nào trên thân, nhờ tỉnh giác như vậy các bạn sử dụng đúng pháp để nhiếp phục những cảm thọ ấy không còn tác động vào thân các bạn được nữa.
Thứ hai: quán các cảm thọ có nghĩa là tỉnh giác trên thân biết rõ thân đau bệnh gì, nhức mỏi chỗ nào, nhờ đó các bạn mới đối trị và nhiếp phục đẩy lui chúng ra khỏi thân của các bạn bằng phương pháp như lý tác ý và an trú tâm trong thân hành nội hay thân hành ngoại. Đây là phương pháp làm chủ bệnh trong pháp môn Tứ Niệm Xứ chỉ có Phật giáo mới có mà thôi.
Thứ ba: quán tâm có nghĩa là xem rất kỹ về tâm, tâm đang động hay tâm đang tịnh, tâm đang tịnh là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn khi nào tâm mất thanh thản, an lạc và vô sự là tâm rơi vào hai trạng thái một là bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không; hai là tâm đang phóng dật, phóng niệm.
Khi tâm rơi vào hôn trầm, thùy miên vô ký, ngoan không thì các bạn hãy nhớ giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh đừng để vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào và tu tập pháp môn Thân Hành Niệm. Nếu các bạn tu tập đúng như vậy thì hôn trầm, thùy miên, ngoan không sẽ không còn thăm các bạn nữa. Trong Định Niệm Hơi Thở có hai đề mục phá hôn trầm thùy miên vô ký tuyệt vời, đó là “Quán tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, quán tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”. Đề mục thứ hai:“Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài”. Khi vận dụng hơi thở dài tức là hơi thở chậm thì hôn trầm cũng không bén mảng đến thân tâm các bạn được.
Thứ tư: quán các pháp có nghĩa là xem xét rất kỹ về các pháp đang tác động vào thân tâm của các bạn, những pháp ấy làm cho thân tâm của các bạn bất an, thì các bạn dùng pháp phòng hộ các căn. Khi phòng hộ các căn thì các pháp sẽ không xâm chiếm vào thân tâm của các bạn được. Trong định Niệm Hơi Thở có hai đề mục phòng hộ thân tâm của các bạn rất tuyệt vời, đó là: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” và “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Hai đề mục trên đây muốn có kết quả tốt và hiệu nghiệm thì các bạn hãy siêng năng tu tập cho chứng đạt được sự an trú vào hơi thở.
Trên đây là cách thức tu tập quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp trong pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Pháp môn Tứ Niệm Xứ khi tu tập các bạn nên nhớ: Quán Thân thì các bạn đừng nghĩ lầm là chỉ có quán thân mà thôi. Do đó, có một số trường thiền dạy tu Tứ Niệm Xứ lại cắt pháp môn Tứ Niệm Xứ ra bốn phần: Có trường thiền chuyên tu tập QUÁN THÂN; có trường thiền lại chuyên tu tập QUÁN THỌ; có trường thiền chuyên tu tập QUÁN TÂM, nhưng chưa có trường thiền chuyên tu tập QUÁN PHÁP. Đó là một sự sai lầm quá lớn. Trong kinh sách Nguyên Thủy chưa từng thấy Phật dạy tu tập Tứ Niệm Xứ phân chia thân, thọ, tâm, pháp kỳ lạ như vậy. Vì thế, các bạn nên hiểu: nói quán thân chứ kỳ thực là quán bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp; cho nên nói quán thọ chứ kỳ thực là quán bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp; cho nên nói quán tâm chứ kỳ thực là quán bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp; cho nên nói quán pháp chứ kỳ thực là quán bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Có tu tập như vậy mới gọi là tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ. Còn tu tập từng phần là tu tập sai pháp.
Các xứ Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông do các nhà học giả tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ một cách kỳ lạ, mà chưa từng thấy có một bài kinh nào Phật dạy như vậy. Xin các bạn lưu ý đừng vội tin họ. Muốn tin thì phải tin đúng lời Phật dạy, vì các bạn là những người đệ tử Phật, chứ không phải đệ tử của ngoại đạo. Nếu các bạn tu sai lời Phật dạy, tu theo kiến giải của các sư thầy học giả là các bạn đã rơi vào ngoại đạo.
2549 năm cách Phật thời gian quá xa, không người tu chứng, nên theo tưởng giải kiến thức của những nhà học giả rồi vẽ ra nhiều pháp tu tập mới mẻ, khiến cho mọi người theo Phật giáo không biết đường nào tu tập cho đúng.
Muốn tu tập đúng pháp không bị sai lầm, như đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân”. Do không gặp những bậc này nên tu hành sai pháp, như những kẻ vô văn phàm phu ít nghe, ít thấy những bậc Thánh, những bậc Chơn nhân nên cứ dựa theo miệng lưỡi của những ông thầy tu hành chưa chứng đạo. Vì vậy mà phí cả một đời người.
II- Tinh tấn có nghĩa là siêng năng, cần cù tu tập. Cụm từ tinh tấn này các bạn phải hiểu là, hằng giờ, hằng phút, hằng giây luôn luôn phải siêng năng quan sát 4 chỗ thân, thọ, tâm và pháp để xem xét sự động tịnh, sự thanh thản, an lạc và vô sự hay sự bất an, sự mất thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu khi thân tâm mất thanh thản, an lạc và vô sự thì phải dùng pháp đẩy lui những chướng ngại pháp đang tác động vào thân tâm, tức là phải khắc phục những tham ái, ưu bi, sầu khổ nơi tâm hoặc những cảm thọ đau nhức bệnh tật nơi thân. Nhưng khi tất cả những cảm thọ và các ác pháp do tâm không có khởi ra, thì nên cảnh giác những trạng thái si mê hôn trầm, thùy miên sẽ tấn công.
III- Tỉnh giác có nghĩa là tỉnh táo, biết rõ ràng, không bị lờ mờ, không ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, hay trạng thái hôn trầm, thùy miên, vô ký, ngoan không v.v.. Tỉnh giác có nghĩa là thân và tâm phải tỉnh thức hoàn toàn, thân không uể oải, lười biếng, tâm không mê mờ và không ở trạng thái lúc tỉnh lúc mê. Tỉnh giác là không có một chút xíu nào hôn trầm thùy miên trong thân tâm thì mới được gọi là tỉnh giác. Có tỉnh giác mới quan sát kỹ lưỡng, do quan sát kỹ lưỡng mới thấy được từ tâm niệm của mình vừa khởi lên là thấy liền và ngay đó biết cả niệm đó là ác pháp hay niệm thiện pháp, nó muốn gì? Làm gì? Mỗi niệm khởi lên đều không lọt qua sự quan sát của các bạn và như vậy mới có thể gọi là tỉnh giác, nhờ có tỉnh giác như vậy mới nhiếp phục được mọi tham ái, mọi ưu bi, mọi khổ đau trên đời này.
IV- Chánh niệm là niệm vô lậu. Niệm vô lậu tức là niệm thiện, niệm không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Cho nên Chánh niệm gồm có:
1- Thân hành niệm nội. Thân hành niệm nội là hơi thở.
2- Thân hành niệm ngoại. Thân hành niệm ngoại là sự họat động của thân như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, đưa tay, duỗi chân, cúi đầu, liếc mắt, ngó nhìn làm tất cả mọi công việc v.v..
3- Thân tâm ở trạng thái bất động tâm có nghĩa là tất cả các ác pháp không tác động vào thân được tức là tâm ở trong trạng thái vô tướng tâm định hay nói cách khác là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm lúc bấy giờ hoàn toàn không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Tâm không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu mới được gọi là tâm bất động; mới được gọi là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Tất cả những niệm kể trên là niệm vô lậu. Niệm vô lậu chính là Chánh niệm. Trong kinh sách Nguyên thủy còn bảo Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ.
V- Nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời, cụm từ này có nghĩa là làm cho mọi sự ham muốn, sầu khổ và bệnh tật khổ đau trên cuộc đời này không còn nữa.
Như vậy các bạn biết rằng năm cụm từ này là để chỉ cho một phương pháp làm chủ những sự đau khổ của kiếp người tức là làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Năm cụm từ này chính là phương pháp đức Phật dạy tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ của các bạn đấy. Bởi vậy, pháp môn Tứ Niệm Xứ là một pháp môn tuyệt vời đệ nhất pháp làm chủ sanh, già, bệnh, chết một cách rõ ràng và cụ thể không còn có pháp môn nào hơn nữa. Cho nên, đức Phật đã xác định thời gian tu tập Tứ Niệm Xứ, cuối cùng là 7 năm.
Một người có quyết tâm tu tập để làm chủ sự sống chết thì phải siêng năng tinh cần tu tập, không thể lười biếng mà tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ của Phật được.
Vì lợi ích lớn như vậy, cho nên đức Phật nhắc đi nhắc lại pháp môn này nhiều lần cho đến khi sắp chết Ngài cũng không quên nhắc chúng ta lần cuối cùng: “Này Ananda, ở đời vị Tỳ Kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời, đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này Ananda, như vậy vị Tỳ Kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác”. Nhớ lời dạy này chúng ta phải siêng năng, tinh cần tu tập Tứ Niệm Xứ không biết mỏi mệt, cho nên phải thường xuyên quan sát thân, thọ, tâm và các pháp. Phải nhớ luôn luôn lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh giác Chánh niệm khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi đều luôn hộ trì và bảo vệ thân, tâm không cho một chướng ngại pháp nào tác động vào được thân tâm của mình. Và hành động tu tập như vậy chính là chúng ta dùng Chánh pháp là ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình. Tuy bài pháp ngắn ngủi nhưng rất đầy đủ ý nghĩa giải thoát của Phật giáo. Pháp hành rất cụ thể và rõ ràng. Hành tới đâu được lợi ích tới đó. Siêng năng hành nhiều giải thoát nhiều; hành ít giải thoát ít. Nếu thực hành trọn đủ 12 tiếng đồng hồ NHẤT DẠ HIỀN, thì ngay đó là chứng đạo, là thành tựu viên mãn con đường tu tập làm lợi ích cho mình, cho người.
Kính thưa các bạn! Pháp môn Tứ Niệm Xứ này tu tập có kết quả thiết thực cụ thể như vậy, nên đức Phật mới dám tuyên bố thời gian bảy ngày, bảy tháng, bảy năm, nếu mọi người ai cũng tu hành đúng phương cách như Phật đã chỉ dạy ở trên thì chắc chắn trăm người sẽ chứng đạt cả trăm người. Nhưng tiếc thay! Pháp thì thật là tuyệt vời mà con người không dám buông bỏ dục lạc thế gian; không dám buông bỏ những ác pháp. Vì thế, mà con người đành phải trôi lăn trong lục đạo, thọ biết bao nhiêu là đau khổ. Cho nên, nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước biển là vậy, nhưng vì mải mê dục lạc không thấy các pháp là vô thường, là khổ đau, là vô ngã. Trên đời này không có một vật gì thường hằng vĩnh viễn. Thế mà mọi người không chịu buông bỏ, cứ mãi ôm ấp cho đến ngày ra đi trở về với lòng đất lạnh. Còn có những gì đâu? Còn mang theo được những gì đâu?
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Vạn sự vô thường buông xuống đi!
Xin các bạn nghe lời dạy của đức Phật:
“Các pháp vô thường
Là pháp sinh diệt
Sinh diệt diệt rồi
Tịch diệt là vui”
Bài kệ này có nghĩa là các bạn hãy buông xuống hết, buông xuống hết thì các bạn sẽ an vui tức là hết khổ đau. Hết khổ đau hạnh phúc lắm các bạn ạ!
______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét