Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

TÁNH THẲNG THẮN

LỜI PHẬT DẠY
“Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh.
Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”.
CHÚ GIẢI:
Phật dạy: “Thấy cái dở mà không dám chê là hèn kém, là nhút nhát, là dua nịnh”. Đúng vậy, khi chúng ta biết kinh sách nào Đại Thừa và Thiền Đông Độ là không phải giáo pháp của Phật, mà chính do các Tổ biên soạn theo giáo lý của Bà La Môn, với mục đích là dìm và diệt Phật giáo, mà không dám nói ra, lại còn tán dương, a dua, nịnh bợ theo, thì thật là hèn nhát, những người như vậy không xứng đáng là tín đồ Phật giáo. Người tín đồ Phật giáo phải gan dạ, phải thẳng thắn dám ăn, dám nói, chỉ thẳng những cái sai, cái không phải của Phật giáo. Dựng lại những gì của Phật giáo đang bị ném bỏ. Đừng có a dua theo kinh sách Đại Thừa mà trở thành kẻ hèn nhát các bạn ạ!?
Người có trí mà không thấy cái sai trong kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ thì đâu được gọi là người có trí. Như Phật dạy: “Mình ngu mà biết mình ngu là mình có trí, mình ngu mà không biết mình ngu là mình chí ngu”. Cho nên, mình là những tu sĩ và cư sĩ của Phật giáo mà không thấy cái sai của kinh sách phát triển Đại Thừa thì không thể gọi mình là người có trí. Bởi vì kinh sách phát triển Đại Thừa có rất nhiều cái sai, chứ đâu phải có một hoặc hai. Chắc các bạn đều thấy biết rất rõ, nhưng các bạn quá sợ hãi trước cái khối lực lượng Đại Thừa quá đông đảo. Trước một thế lực đông đảo như Đại Thừa hiện nay, mà dám nói thẳng cái sai của giáo pháp Đại Thừa là một người tốt, nói để sửa sai chứ không phải nói xấu mà sợ. Phải không các bạn?
Ví dụ: Một Quan Gián Nghị Đại Phu dám can ngăn nhà vua, là vì lợi ích hạnh phúc cho toàn dân, cho đất nước đó. Một tu sĩ Phật giáo hay một cư sĩ Phật giáo dám nói cái sai của kinh sách Đại Thừa là vì lợi ích cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo. Người như vậy mới là người có trí tuệ, người có lòng thương yêu rộng lớn đối với đạo cũng như đời.
Phật dạy: “Thấy cái hay mà không dám khen là ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo”.Đúng vậy, là tu sĩ Đại Thừa thấy cái đúng của Phật giáo Nguyên Thủy mà không dám khen, là ganh tị, hẹp hòi, là cố chấp, kiến chấp, là không thấy xa, hiểu rộng. Làm con người thì phải có trí tuệ thông minh, phải nhận biết đâu đúng, đâu sai, chứ đâu phải là người đui, người điếc.
Thấy người khác hay hơn mình, biết rất rõ mà không dám khen đó là do lòng ganh tị, hẹp hòi, cao ngạo; người như vậy là người xấu, người không đáng cho ta kính trọng.
Tóm lại, hai câu trên đây, chúng ta phải hằng ghi nhớ trong lòng, để mình không trở thành người hèn kém, nhút nhát, lúc nào cũng là người dám ăn, dám nói thẳng một sự thật.
 ______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét