LỜI PHẬT DẠY
“Này các Tỳ Kheo, thế nào là tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập?
1/ “Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
2/ “Ly sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
3/ “Ly si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
--o0o--
1/ “Tánh không có tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
2/ “Tánh không có sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
3/ “Tánh không có si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
--o0o--
1/ “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
2/ “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
3/ “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
Này các Tỳ Kheo, Khi nào tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỳ Kheo ấy nói như sau: “Ta rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
|
CHÚ GIẢI:
Trong đoạn kinh này đức Phật dạy các bạn phải huân tập tâm ly tham, ly sân, ly si. Vậy muốn tích tập sự ly tham, ly sân, ly si thì các bạn phải làm sao? Các bạn hãy nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, thế nào là tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập?
1/ “Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
2/ “Ly sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
3/ “Ly si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ”.
Những lời đơn giản này, nhưng cả một vấn đề bền chí tu tập, nếu không bền chí huân tập thì không tích tụ được tâm ly tham, ly sân, ly si. Không tích tụ được tâm ly tham, ly sân, ly si thì làm sao hết tham sân si được. Phải không các bạn? Pháp đơn giản nhưng phải thực hành bền chí gắng sức thì kết quả mới thấy Phật pháp không dối người.
Theo như lời Phật dạy trên đây thì hằng ngày các bạn phải thường tinh tấn, siêng năng như lý tác ý:“Ly tham là tâm của ta”, “Ly sân là tâm của ta”, “Ly si là tâm của ta”. Ngày ngày tác ý như vậy, tâm các bạn sẽ huân tập vào không tham, không sân, không si. Tâm không tham, không sân, không si là tâm giải thoát các bạn ạ!
Thiền của Phật giáo tu tập như vậy các bạn có thấy chăng? Tu không phải ngồi kiết già, không phải niệm Phật, tụng kinh niệm chú, bắt ấn, lạy sám hối, v.v.. Tu trong tất cả mọi hành động đi, đứng, nằm, ngồi chỉ có như lý tác ý câu ly tham, ly sân, ly si là tâm của ta là tâm sẽ hết tham, sân, si. Tu như vậy thật là nhẹ nhàng và dễ dàng quá. Phải không các bạn?
Những đề mục tu tập trên đây nếu các bạn tu tập không thấy có hiệu quả thì các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy:
1/“Tánh không có tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
2/“Tánh không có sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
3/“Tánh không có si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
4/“Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
5/“Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
6/“Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”,như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ.
Cứ theo lời dạy trên đây mà như lý này tác ý: “Tánh không có tham là tâm của ta”; Tánh không có sân là tâm của ta”; Tánh không có si là tâm của ta”.
Nếu 3 câu này các bạn tu tập không hiệu quả thì các bạn có thể thay thế bằng những câu khác như: “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”; “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”; “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”. Hoặc các bạn tu tập cả ba nhóm những pháp hành này, nhưng tốt nhất là tu theo đặc tướng của mình hợp với nhóm nào thì nên tu theo nhóm ấy.
Đức Phật kết luận đoạn kinh này một kết quả tuyệt vời. Một sự giải thoát thật sự mà trong sáu tháng chúng tôi tu tập đã thành tựu viên mãn rõ ràng, cụ thể. Đây các bạn hãy lắng nghe đoạn kết: “Này các Tỳ Kheo, khi nào tâm Tỳ Kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỳ Kheo ấy nói như sau: “Ta rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Tóm lại, trong lời Phật dạy này chúng ta chú ý những điểm chính để biết pháp hành cụ thể như trên đã nói. Trước tiên chúng ta chú ý về những từ ngữ.
Khéo tích tập nghĩa là gì? Khéo tích tập có nghĩa là khéo tích tụ, gom lại, tập họp lại, làm cho nhiều.
“Ly tham là tâm của ta”, câu này là pháp như lý tác ý. Trong câu: “Ly tham làtâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với trí tuệ”. Toàn bộ lời dạy này như thế nào?
Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ lời dạy này: “được khéo tích tập với trí tuệ”. Câu này có nghĩa là luôn luôn phải nhớ tác ý: “Ly tham là tâm của ta”. Càng tác ý nhiều là tích tập nhiều. Các bạn có hiểu câu này chưa?
Muốn tích tập tâm ly tham thì cứ nhắc tâm nhiều lần câu này. Đó là cách thức kết tụ tâm ly tham, ly sân, ly si... thành một khối không tham, sân, si...
Và khi tu tập như vậy kết quả sẽ ra sao?
Hằng ngày tu tập như vậy, đến khi tâm ly tham, sân, si thật sự thì chúng ta biết rất rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Rõ ràng, Phật dạy chỉ có hằng ngày tu tập tác ý như vậy, lần lượt tâm tham, sân, si bị đoạn diệt, cho nên chúng ta biết rất rõ tâm có thanh tịnh hay không thanh tịnh. Nên đức Phật đã xác định một cách quả quyết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Đó là lời nói không dối mình dối người. Vậy chúng ta hãy nỗ lực hằng ngày khéo nhắc tâm ly, xả, đoạn diệt, từ bỏ tâm tham, sân, si... thì kết quả tâm sẽ vô lậu.
Nhưng chúng ta phải biết cách vừa nương vào thân hành niệm nội hay ngoại vừa tác ý ly tham, sân, si. Với sự chuyên cần tinh tấn hằng ngày tu tập rèn luyện như vậy cho đến khi tâm tham sân si bị diệt sạch thì chúng ta đã thành công trên đường tu tập giải phóng được giặc sanh tử luân hồi, không còn bị qui luật nhân quả chi phối vượt thoát ra ngoài không gian và thời gian.
______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 3.